Tạp chí Kanwa Asian Defence đăng bài viết có tiêu đề: "Những khó khăn của Trung Quốc khi lắp ráp tàu Zubr".
Theo đó, trong năm 2015, Trung Quốc đã hoàn thành các khâu sơ bộ trên 2 tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr thuộc mang số hiệu 3325, 3326.
Trong đó, chiếc tàu mang số hiệu 3326 được chuyển vội từ Ukraine về Trung Quốc vào tháng 03/2014, khi Nga tiến hành sáp nhập Crimea. Lúc ấy các thiết bị trên tàu vẫn chưa được lắp đặt hoàn chỉnh, ngoài cánh quạt và bánh lái.
Khi được chuyển về nhà máy đóng tàu Huangpu, Trung Quốc rơi vào tình cảnh thiếu nhiều thiết bị.
Theo hợp đồng ký kết trước đó giữa 2 phía, phần thân tàu và động cơ đẩy được chế tạo tại Ukraine (khi đó là nhà máy More ở Feodosia) và vũ khí sẽ được lắp đặt tại Trung Quốc.
Trong giai đoạn 2014-2015, 2 tàu số hiệu 3325, 3326 đã hoàn thành thử nghiệm trên biển và trở về căn cứ vào tháng 09/2015. Chúng cần được kiểm tra trước khi bàn giao cho Hải quân.
Hai tàu đổ bộ lớp Zubr mang số hiệu 3325 và 3326 của Trung Quốc.
Cũng theo hợp đồng này, cặp tàu thứ 2 sẽ được khởi đóng tại nhà máy Guangzhou Huangpu (Trung Quốc) với phần lớn bộ phận và tài liệu thiết kế do Ukraine chuyển giao. Sau đó Trung Quốc sẽ tự đóng và hoàn thiện. Ngoài ra, Ukraine sẽ cung cấp thêm các bộ phận cần thiết để đóng chiếc Zubr thứ 5.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea, đại diện Tập đoàn Rosoboronexport (Nga) đã nhiều lần nhắc lại rằng, Nga muốn giúp Trung Quốc hoàn thành toàn bộ chương trình tàu Zubr, nhưng điều kiện là phải ký lại hợp đồng giữa Nga và Trung Quốc.
Nói cách khác là thay thế nhà cung cấp thiết bị từ Ukraine thành Nga, mặc dù 10 năm trước, do Nga không muốn chuyển giao công nghệ đóng tàu Zubr nên Trung Quốc mới tìm tới Ukraine.
Tháng 08/2015, Phó Tổng Giám đốc Rosoboronexport - ông Igor Sevastyanov cho biết, tập đoàn đã lên kế hoạch ký thỏa thuận với Trung Quốc.
Song, tính đến tháng 03/2016, hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa Nga và Trung Quốc vẫn chưa được ký kết.
Cùng thời điểm đó, công ty Ukrspetsexport của Ukraine thông báo phía Trung Quốc vẫn còn khoản nợ khoảng 20 triệu USD, do hợp đồng ban đầu được ký với Kiev.
Tuy nhiên, nhà máy đóng tàu More ở Crimea yêu cầu Trung Quốc phải chuyển tiền trực tiếp cho họ. Vì thế, mối quan hệ giữa 3 nước (Nga, Trung Quốc, Ukraine) quanh hợp đồng này rất căng thẳng.
Ở thời điểm hiện tại, theo Kanwa, có nhiều cơ sở để tin rằng Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc chế tạo các tàu Zubr.
Dù có khả năng sao chép vũ khí nhưng Trung Quốc phải mất nhiều thời gian hơn mới có thể tiếp thu được công nghệ của tàu Zubr. Ngoài ra, do không có sự giúp đỡ của các chuyên gia Ukraine và Nga nên quá trình chế tạo các bộ phận sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Xe tăng Type 96 đổ bộ từ tàu Zubr.
Vào tháng 07/2015, Hải quân Trung Quốc (PLAN) bắt đầu thử nghiệm tàu Zubr số hiệu 3325 khi tập trận trên Biển Đông. Trong đó, tàu Zubr đã thả xuống 1 xe tăng chiến đấu chủ lực Type 96 khi tham gia nhiệm vụ đổ bộ.
Lượng giãn nước đầy tải của loại tàu này là 550 tấn, nó có thể chở theo 3 xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99 hoặc Type 96. Nhờ tàu Zubr mà PLAN có thể đổ bộ các thiết bị bọc thép hạng nặng ở vùng biển xa bờ.
Năm 2015, xuất hiện thông tin Trung Quốc đang có ý định mua lại 4 tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr thuộc đề án 12322 của Hải quân Hy Lạp.
Dựa trên các hình ảnh vệ tinh thì các tàu lớp Zubr của Hy Lạp đã không hoạt động trong nhiều năm và có thể đang được sửa chữa trên mặt đất. Tuy nhiên, đến năm 2016 vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc ký hợp đồng mua 4 tàu lớp Zubr này.
Theo Kanwa, việc mua lại các tàu lớp Zubr không hoạt động trong nhiều năm không hề đơn giản do thiếu phụ tùng thay thế. Trong 4 tàu của Hải quân Hy Lạp, 1 chiếc được đóng tại Ukraine và 3 chiếc còn lại mua từ Nga. Nếu không được Nga hỗ trợ kỹ thuật, Trung Quốc sẽ không thể tự mình sửa những tàu này.