Nga - Ukraine: Cơm chưa lành, canh chưa thể ngọt!

M.T. |

Quan hệ giữa chính quyền Kiev và Donbass bỗng gia tăng căng thẳng khi hai nước cộng hòa tự xưng Lugansk, Donetsk tiến hành bầu cử. Trong khi đó, suốt 4 năm qua, Kiev chưa từ bỏ những tuyên bố và hành động làm căng thẳng trong quan hệ với Nga.

Trong các cuộc bầu cử Tổng thống và nghị viện diễn ra ngày 11-11 ở vùng Donbass, ông Denis Pouchiline đã trở thành Tổng thống của nước Cộng hòa tự xưng Donetsk (RPD) với 60,85% phiếu bầu.

Còn tại nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LNR) láng giềng, cũng ở miền Đông Ukraine, ông Leonid Pasetchnik trở thành người lãnh đạo chính thức sau 1 năm tạm quyền với 68,3% phiếu bầu.

Với số lượng cử tri đi bỏ phiếu ở Donetsk là 76,2%, còn ở Lugansk là 72,5% trước khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, cho thấy người dân ở Donbass rất tin tưởng vào hành động của mình và có niềm tin vào thực thể chính trị đại diện cho mình.

Dựa vào đâu mà cử tri Donetsk và Lugansk có niềm tin và sẵn sàng thực hiện cơ chế ủy nhiệm quyền lực của mình, bất chấp những đe dọa đối với cuộc sống khó khăn của họ?

Theo giới phân tích, cơ sở niềm tin của họ xuất phát cả từ thể chế và thực tế. Về thể chế, dù là những thực thể chưa được quốc tế công nhận, song RPD và LNR đã xuất hiện trong các cơ chế quốc tế, cụ thể là một đối tượng điều chỉnh của Thỏa thuận hòa bình Minsk.

Mà để thực hiện các thỏa ước quốc tế, tham gia vào vận hành các cơ chế quốc tế thì đương nhiên RPD và LNR phải tồn tại với những nền tảng quyền lực đủ để đảm bảo thực hiện trách nhiệm của mình.

Về thực tế, kể từ 13h ngày 15-3-2017, chính quyền Ukraine đã cắt đứt các tuyến giao thương, ngăn chặn bất kỳ mối quan hệ thương mại nào với Donbass, đồng thời kiên quyết ngăn chặn tất cả hoạt động của khu vực này tới Kiev.

Qua việc phong tỏa Donbass, chính quyền Kiev đã quyết đưa lực lượng ly khai miền Đông Ukraine vào tình thế ngặt nghèo, từ đó hy vọng tạo ra ưu thế trước đối thủ. Tuy nhiên, nước đi này đã làm mất ưu thế của Kiev, cụ thể nhất là mất dân.

Các cuộc bầu cử ở miền Đông Ukraine bị Kiev và phương Tây phản ứng dữ dội, đồng thời coi là bất hợp pháp. Ngày 12-11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng kết quả bầu cử trên lãnh thổ của Donbass, mà không dưới sự kiểm soát của Kiev, sẽ không được công nhận bởi bất cứ ai.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho rằng Nga sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế mới vì các cuộc bầu cử tại Donbass. Ông Klimkin cho rằng mục tiêu của các cuộc bầu cử ở 2 nước cộng hòa tự xưng trên là nhằm hợp pháp hóa tình trạng ly khai khỏi lãnh thổ của Ukraine.

Donetsk và Lugansk đã tuyên bố độc lập khỏi Ukraine và thành lập Cộng hòa Nhân dân từ năm 2014. Xung đột ở miền Đông Ukraine bùng phát từ tháng 4-2014 đã khiến trên 10.000 người thiệt mạng. Tới nay, các lệnh ngừng bắn đã được thiết lập, song tình trạng đối đầu tại đây vẫn chưa được giải quyết.

Trước ngày cuộc bầu cử ở Donetsk và Luhansk diễn ra, đã có các cuộc chạm súng giữa lực lượng dân quân tự vệ của 2 nước cộng hòa này với binh lính Ukraine khiến 4 quân nhân của chính quyền Kiev thiệt mạng.

Trở lại với các cuộc bầu cử tại Donetsk và Lugansk, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng việc thực hiện các cuộc bầu cử này là phù hợp với thỏa thuận Minsk và tạo cơ hội để đưa tình hình Đông Nam Ukraine sang kênh đối thoại cởi mở mang tính xây dựng và mở ra con đường cùng nhau bảo tồn không gian kinh tế, văn hóa và chính trị thống nhất của Ukraine.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết cuộc bầu cử ở Donetsk và Lugansk là nhằm “giải quyết tình trạng thiếu chính phủ để bảo đảm sinh hoạt cho dân chúng”, do vậy cuộc bầu cử này không có liên can gì đến hiệp định Minsk. Tuy nhiên, Mỹ, EU không để ý đến lập luận của Nga và vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Moscow.

Nga - Ukraine: Cơm chưa lành, canh chưa thể ngọt!  - Ảnh 3.

Tổng thống Ukraine Poroshenko, ngày 11-11, lên tiếng cáo buộc các cuộc bỏ phiếu ở Donetsk và Luhansk là vi hiến.


Tổng thống Nga Putin cảnh báo, các cuộc bầu cử ở Donetsk và Lugansk được thực hiện phù hợp với Thỏa thuận Minsk và là cơ hội đưa tình hình ở đông nam Ukraine vào khuôn khổ đối thoại mang tính xây dựng. Trong trường hợp vi phạm thỏa thuận Minsk về ngừng bắn, Kiev sẽ phải chịu trách nhiệm.

Trong suốt 4 năm qua, kể từ ngày người dân Crimea bỏ phiếu về lại Nga và các vụ xung đột bùng phát giữa người dân các tỉnh miền Đông Ukraine với chính quyền trung ương, Kiev và các nước phương Tây không ngừng cáo buộc Nga can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Ukraine và tham gia vào cuộc xung đột ở Donbass, song Nga đã nhiều lần phủ nhận.

Cho đến giờ, Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục gia hạn các lệnh trừng phạt Nga, trong khi Ukraine chưa thôi công kích Moscow. Mới đây, ngày 9-11, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự thảo luật “Về khu vực lân cận của Ukraine” trong lần đọc đầu tiên, tài liệu cho phép mở rộng lãnh thổ thuộc kiểm soát của Kiev trên biển 12 hải lý để “chống giao thông buôn lậu” ở Biển Đen.

Trước đó ngày 3-11, một nghị sĩ Ukraine đã nói với kênh truyền hình NewsOne rằng ông đang lập kế hoạch để đưa Crimea trở lại Ukraine. Ngày 5-11, đại diện chính quyền Crimea mô tả ý tưởng trên là một “nhiệm vụ bất khả thi”.

Dmitry Polonsky, Phó Thủ tướng Chính phủ Crimea, nói rằng dự án lấy lại Crimea của Kiev có “mùi tiền” hơn là chính trị. Ông Polonski nói thêm rằng Crimea đang phát triển với tốc độ nhanh và người dân ở đây cảm thấy lần đầu tiên trong nhiều năm như đang ở nhà của họ và tin tưởng về tương lai.

Hơn 96,77% cử tri Crimea đồng ý đưa bán đảo này về với Nga trong một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào năm 2014. Cuộc bỏ phiếu đã được tiến hành theo luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, Kiev vẫn xem lãnh thổ này như phần đất thuộc Ukraine và thường xuyên bày tỏ ý định lấy lại bán đảo này. Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố rằng vấn đề Crimea đã hoàn toàn được khép lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại