Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu. Ảnh: TASS
Theo đài RT, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết nếu Washington thực hiện lời hứa gửi bom chùm tới Kiev, quân đội Nga sẽ sử dụng kho vũ khí đa dạng của mình trên chiến trường.
“Nếu Mỹ cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine, Lực lượng vũ trang Nga sẽ buộc phải sử dụng vũ khí tương đương để chống lại lực lượng Ukraine, như một cách đáp trả", ông Shoigu nói với các phóng viên ngày 11/7 khi đến thăm các nhà máy quân sự ở Tatarstan.
Bộ trưởng Shoigu nói thêm: “Cần lưu ý rằng Nga có bom chùm, [dùng] cho mọi trường hợp. Chúng hiệu quả hơn nhiều so với của Mỹ, phạm vi của chúng rộng hơn và đa dạng hơn.”
Cũng giống như Mỹ và Ukraine, Nga không phải là một bên tham gia Công ước về Bom, đạn chùm, ông Shoigu lưu ý. Tuy nhiên, Moskva đã hạn chế sử dụng kho vũ khí này của mình trong cuộc xung đột hiện tại, “nhận thức được mối đe dọa mà loại vũ khí đó gây ra cho dân thường”.
Tuần trước, Mỹ tuyên bố sẽ gửi đạn pháo thông thường cải tiến lưỡng dụng (DPICM) tới Ukraine, cho rằng mối nguy hiểm đối với dân thường là không lớn vì Nga bị cáo buộc đã sử dụng loại đạn này trước đó. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về Chính sách Colin Kahl nói với các phóng viên rằng Mỹ nhận thức được mối nguy hiểm mà những vũ khí như vậy gây ra cho dân thường, nhưng một chiến thắng của Nga sẽ còn tệ hơn.
Bộ trưởng Shoigu chỉ ra rằng Mỹ đã đưa ra “nhiều lý do khác nhau” cho quyết định gửi bom chùm, bao gồm cả việc họ đã hết đạn pháo 155mm thông thường. Điều này ám chỉ đến những gì Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói trong cuộc trả lời phỏng vấn đài CNN, được phát sóng vào cuối tuần qua.
Đại sứ Nga tại Mỹ, Anatoly Antonov, đã mô tả việc chuyển giao bom, đạn chùm cho Ukraine là “một cử chỉ tuyệt vọng” và một “hành động điên rồ” thể hiện sự bất lực của người Mỹ và các đồng minh.
Theo Bộ trưởng Shoigu, các lực lượng Nga đã thực hiện các biện pháp “tổ chức và kỹ thuật” để bảo vệ cả người và phương tiện khỏi tác động của bom, đạn chùm của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã tới Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga ngày 11/7 để thăm Quân khu Trung tâm. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông đã đi thăm nhà máy sản xuất xe quân sự Kamaz và một số doanh nghiệp quốc phòng khác.
Theo CNN, hôm 7/7, Tổng thống Joe Biden xác nhận Mỹ sẽ cung cấp bom, đạn chùm trong gói viện trợ quân sự mới trị giá khoảng 800 triệu USD cho Ukraine. Trả lời phỏng vấn đài CNN, ông Biden cho biết ông đã "suy nghĩ và cân nhắc khá lâu trước khi đưa ra quyết định" vì "người Ukraine sắp hết đạn".
Một quả bom chùm ở thành phố tiền tuyến Avdiivka, Ukraine vào ngày 23/3/2023. Ảnh: CNN
Tuy nhiên quyết định của Mỹ đã khiến ngay cả các nước đồng minh của Washington lo ngại. Anh, Canada, Tây Ban Nha đã bày tỏ quan ngại trước quyết định của Mỹ chuyển giao bom chùm cho Kiev. Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles khẳng định, nước này có "cam kết chắc chắn" về việc sẽ không gửi một số loại vũ khí và bom nhất định tới Ukraine. Trong khi đó, Chính phủ Canada đặc biệt lo ngại về tác động tiềm ẩn của những quả bom con được giải phóng ra khỏi bom mẹ và chưa nổ sau khi rơi xuống mặt đất, đặc biệt là đối với trẻ em.
Bom chùm là loại bom bung trên không trung, giải phóng nhiều bom con nhằm tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng lúc trên một khu vực rộng lớn. Bom và đạn chùm có thể được thiết kế để phóng đi từ nòng pháo, bệ phóng rocket hoặc thả từ máy bay. Theo Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, một số bom chùm và đạn chùm có tỷ lệ chưa phát nổ cao sau khi khai hỏa, lên tới 40% trong một số trường hợp. Chúng có thể tồn tại hàng chục năm trên mặt đất và có thể phát nổ bất kỳ lúc nào. Điều này khiến nguy cơ dân thường bị ảnh hưởng bởi bom, đạn chùm là rất lớn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cam kết rằng bom chùm sẽ chỉ được sử dụng để xuyên thủng các tuyến phòng thủ của đối phương chứ không phải ở các khu vực dân cư.