Dưới đây là nội dung bài viết.
Cuối tháng 6, Nga đã thông báo ý định bước chân vào thế giới tiêm kích thế hệ 5 thông qua đơn đặt hàng đầu tiên dành cho Su-57 - mẫu máy bay tiên tiến được kỳ vọng sẽ trở thành thách thức cho phi đoàn F-35 và F-22 của Mỹ.
"Hợp đồng đầu tiên mua 12 máy bay (Su-57) đã được thông qua, quá trình chuyển giao sẽ được tiến hành sớm" – Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexey Krivoruchko nói với các phóng viên.
Hãng tin RT dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội Nga sẽ nhận được 12 chiếc Su-57 "đủ khả năng hoạt động" trong vòng 1 năm, khiến khung thời gian dự kiến này cũng trở nên "lạc quan" (mà thực chất là… hơi đáng ngờ) như những gì Kremlin tuyên bố về tính năng của mẫu máy bay mới.
Tiêu chuẩn "sẵn sàng hoạt động" của Nga-Mỹ
Chương trình Su-57, với nguyên mẫu T-50, được xúc tiến vào cuối những năm 1990. Sukhoi giành được hợp đồng chế tạo chính thức năm 2002. Kể từ đó đến nay, chỉ có 10 nguyên mẫu Su-57 được hoàn thiện nhưng không phải tất cả đều "đủ khả năng hoạt động".
Trở lại hồi tháng 2 năm nay, quân đội Nga đã triển khai một nhóm Su-57 tới Syria – nơi họ đang tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Tổng thống Bashar al Assad trong suốt các cuộc nội chiến.
Trước đó, trong một thời gian dài, Nga đã triển khai các loại công nghệ vũ khí chưa thực sự chín muồi tới chiến trường này để quảng bá, và có vẻ màn ra mắt của tiêm kích thế hệ 5 tại Syria cũng nhằm mục đích tương tự.
Su-57 xuất hiện tại Syria trong vài ngày nhưng không có báo cáo nào cho thấy chúng đã tham gia tác chiến. Không lâu sau đó, chúng âm thầm trở về Nga.
Sau khi mất đi nguồn hỗ trợ tài chính từ đối tác Ấn Độ trong chương trình Su-57, có vẻ như chính phủ Nga đang nỗ lực tìm kiếm các khách hàng mới. Mỹ sẽ xuất khẩu F-35 sang một số quốc gia đồng minh, trong khi đó, ở thời điểm hiện tại trên thị trường vũ khí thế giới, chỉ có Su-57 được xem là ngang cơ với nó.
Ở đây có 2 câu hỏi được đặt ra: "Kế hoạch của Nga nhằm triển khai 12 chiếc Su-57 trong năm tới có mức độ thực tế đến đâu?", và "Điều đó sẽ tạo ra mối đe dọa gì cho mạng lưới phòng thủ của Mỹ?"
Nói đơn giản thì kế hoạch này, trên khía cạnh nào đó, có thể diễn ra (dựa trên các tiêu chuẩn quân sự của Nga) nhưng không mang lại ý nghĩa nào khi xét trên quan điểm chiến lược.
Để đánh giá liệu Nga có thể triển khai 12 chiếc Su-57 trong năm tới hay không, trước tiên chúng ta cần phải hiểu sự khác biệt giữa tiêu chuẩn "sẵn sàng hoạt động" của Mỹ và Nga.
Chẳng hạn, F-35 vẫn chưa được xem là đạt khả năng hoạt động đầy đủ ở tất cả các phiên bản dù Lockheed Martin đã chuyển giao hơn 300 chiếc máy bay loại này cho Mỹ và các lực lượng đồng minh.
Tại Mỹ, trạng thái "sẵn sàng hoạt động" chỉ có thể đạt được sau giai đoạn kiểm tra và đánh giá kéo dài, đòi hỏi phải đáp ứng được những yêu cầu liên quan tới một loạt vấn đề, từ an toàn cho tới khả năng sống sót.
Phải mất nhiều năm thử nghiệm và trải qua hàng nghìn giờ bay, mẫu máy bay mới mới có thể tìm được chỗ đứng trong trang bị của Mỹ và nhìn chung, Washington muốn các quốc gia đồng minh cũng hướng tới tiêu chí tương tự.
F-35 đã phải trải qua quá trình thử nghiệm kéo dài nhiều năm. Ảnh: Hải quân Mỹ
Trong khi đó, Nga lại khác. Quyết định triển khai Su-57 tới vùng chiến sự Syria hồi tháng 2 năm nay mang ý nghĩa tiêm kích thế hệ 5 của Nga được cọ sát với chiến trường trước cả mẫu máy bay đã hoàn thiện hơn nhiều là F-35.
Với chỉ khoảng 10 chiếc được chế tạo cho tới nay, đây là một quyết định liều lĩnh của Nga khi đặt chúng vào trạng thái đủ khả năng hoạt động, không chỉ bởi số lượng Su-57 hạn chế, mà còn bởi phi công Nga chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm đối với mẫu máy bay mới.
Nói theo cách khác, tiêu chuẩn "sẵn sàng hoạt động" của Nga có thể hiểu ở mức "tạm ổn", rút ngắn đáng kể thời gian đưa vào triển khai.
Mục đích của Nga khi đặt mua Su-57 sớm
Quá trình sản xuất có thể trở thành một vấn đề lớn đối với Nga. Trung bình phải mất 41.500 giờ lao động để chế tạo một chiếc F-35, đó là chưa kể Lockheed Martin có ưu thế hơn trong lĩnh vực sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ 5 (không chỉ bởi họ có nguồn lực lớn hơn, mà còn bởi họ đã cho ra đời số máy bay gấp gần 30 lần Sukhoi).
Su-57 được cho là thiếu nhiều công nghệ tàng hình ứng dụng trên F-35 và có thể không đòi hỏi mức độ phức tạp như mẫu máy bay của Mỹ nhưng theo những gì được biết thì đây là mẫu tiêm kích tiên tiến nhất mà Nga từng chế tạo – tức là quá trình sản xuất nó có lẽ sẽ phức tạp hơn và đòi hỏi tập trung nguồn lực lao động lớn hơn các mẫu máy bay tiền nhiệm.
Như thế, Nga sẽ phải thuê hàng trăm nhân công và đảm bảo không có thời gian trì hoãn hay vấn đề phát sinh để có thể sản xuất liên tục mẫu máy bay mới, đáp ứng mục tiêu 1 máy bay mỗi tháng.
Tất nhiên, họ có thể giảm nhẹ áp lực này bằng cách nâng cấp các nguyên mẫu Su-57 thử nghiệm và đưa chúng vào hoạt động cùng với các máy bay mới.
Nếu giả dụ Nga "thực sự" có khả năng sản xuất 12 chiếc Su-57 mới, tính tới tháng 5 năm sau, thì điều đó có tạo ra mối đe dọa gì đối với mạng lưới phòng thủ của Mỹ hay không? Câu trả lời là "Rất ít".
Mặc dù chưa thể ngang cơ với F-35 ở nhiều khía cạnh nhưng Su-57 được kỳ vọng sẽ nhanh hơn và cơ động hơn đối thủ.
Các mảng radar được tăng cường cũng cho phép nó tối ưu hóa chiến lược đánh lừa các biện pháp phát hiện mục tiêu trong khi theo dõi máy bay chiến đấu của đối phương từ các góc thẳng đứng – một tính năng mà tiêm kích tiên tiến của Mỹ vẫn đang gặp vấn đề.
Tuy nhiên, khả năng phát hiện và tấn công ngoài đường chân trời của F-35 cũng có thể khiến cho 2 mẫu máy bay này không bao giờ có cơ hội cận chiến. F-35 hoặc sẽ chiến thắng trước khi giáp mặt với Su-57, hoặc sẽ rút lui để tránh tổn thất.
Trong trường hợp F-35 rút lui, F-22 – với khả năng cận chiến mạnh hơn nhiều – có thể sẽ được triển khai để đối đầu với mẫu máy bay ưu tú của Nga.
Nguyên mẫu của tiêm kích tàng hình Su-57. Ảnh: Wiki
Nhưng những tình huống "một đối một" này không chỉ khó xảy ra mà còn đánh mất tầm nhìn chiến lược tổng thể. 12 chiếc Su-57 là con số quá nhỏ so với gần 180 chiếc F-22 và số lượng ngày càng gia tăng của F-35.
Bên cạnh đó, với tín hiệu radar chỉ ưu việt hơn một chút so với tiêm kích thế hệ 4, Su-57 thậm chí có thể sẽ gặp khó khăn khi đối đầu với các máy bay chiến đấu thế hệ 4 Super Hornet Block III của Mỹ.
Tương tự như J-20 Trung Quốc, Su-57 chưa có động cơ được thiết kế dành riêng cho nó. Cho tới trước năm 2025, Su-57 có lẽ vẫn chưa có đủ khả năng hành trình ở tốc độ siêu thanh – đưa nó về đúng phân loại "tiêm kích thế hệ 5".
Với đơn hàng đầu tiên mua Su-57, có lẽ Nga muốn bắt kịp tốc độ triển khai tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ và Trung Quốc, đồng thời thu hút dần các khách hàng quốc tế.
Tuy nhiên, họ sẽ khó mà thành công với 10 nguyên mẫu Su-57 đã phủ đầy bụi. Nga có thể sẽ cùng các đối thủ cạnh tranh khác dấn bước vào lĩnh vực sản xuất tiêm kích thế hệ 5, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, thẻ hội viên của họ có lẽ mới là thẻ danh dự mà thôi.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Alex Hollings
Su-57 Nga trình diễn khả năng cơ động tác chiến, tấn công các mục tiêu trên mặt đất