Theo báo Moscow Times, Đại sứ Antonov nói: "Trong ngày xảy ra thảm họa ở Kemerovo, chúng tôi chứng kiến quan chức Washington điếc cảm xúc, thờ ơ và không quan tâm. Họ chỉ quyết định gây thêm sự đau lòng. Được lắm, các ông cứ hả hê đi. Nga sẽ không bị kéo vào sự phẫn nộ, nhưng chắc chắn sẽ có một phản ứng".
Ngày 26.3, Tổng thống Trump đã ký lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Nga ở Mỹ, với lý họ là sĩ quan tình báo. Mỹ cũng đóng cửa Lãnh sự quán Nga ở thành phố Seattle, để phản ứng vụ cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok ngày 4.3 ở thành phố Salisbury (Anh).
Chính quyền Anh đã kết luận Nga đứng sau vụ đầu độc này và đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Thủ tướng Theresa May hôm 27.3 cảnh báo phương Tây cần có kế hoạch phản ứng dài hơi đối với mối đe dọa mới từ Nga.
Sáng 27.3, đã có 25 quốc gia cũng tuyên bố trục xuất 140 nhà ngoại giao Nga, đó là vụ trục xuất lớn nhất trong lịch sử ngoại giao hiện đại. Cuối ngày, NATO tuyên bố trục xuất 7 nhà ngoại giao Nga, nói là "đó là cái giá và hậu quả" cho hành vi của Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói liên minh này cũng không chấp nhận các nhà ngoại giao Nga khác.
Moscow cực lực bác bỏ cáo buộc của Anh. Ngày 27.3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Mỹ "tiến hành cuộc hăm dọa triệt để", buộc các nước hưởng ứng trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Ông nói: "Khi một hoặc hai nhà ngoại giao bị trục xuất khỏi nước này nước kia, trong lúc thì thầm lời xin lỗi vào tai chúng tôi, nhưng chúng tôi biết chắc đó là kết quả của một sự thúc ép mạnh mẽ, hăm dọa lớn, mà đáng tiếc đó là công cụ chính mà Washington hiện có trên vũ đài quốc tế".
Ông Lavrov cũng cảnh báo Nga sẽ sớm có phản ứng: "Chắc chắn chúng tôi sẽ không khoan dung hành động trơ trẽn này".
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Rybakov nói các quan chức Nga đang soạn biện pháp trả đũa để Tổng thống Vladimir Putin xem xét. Ông Putin đã tuyên bố Moscow sẽ trả đũa bằng cách trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan nói tại Quốc hội Cộng hòa Cezch: Mỹ và các đồng minh "sẽ không tha" Nga chuyện cố gắng gây bất ổn các nền dân chủ ở Mỹ và châu Âu, và ông cổ động một sự hiện diện quân sự Mỹ mạnh mẽ tại châu Âu.
Ông Ryan nói Nga gieo rắc tin xuyên tạc, tấn công mạng nhằm gây chia rẽ nhân dân và chính phủ các nước đồng minh, gây bất ổn các thể chế dân chủ, nên "chúng ta sẽ không thể khoan dung".
Vị Chủ tịch Hạ viện Mỹ lưu ý việc ông Trump đã ký một luật chi tiêu, trong đó cấp 1,4 tỉ USD trong năm 2018 cho Chương trình phòng thủ châu Âu (EDI) nhằm trấn an các đồng minh Đông Âu và chặn Nga tái diễn việc sáp nhập bán đảo Crimea. Ông Ryan cho biết đang bắt đầu xây dựng số phương tiện quân sự cấp sư đoàn ở 5 địa điểm ở châu Âu, nhằm thể hiện sự cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ.
Theo yêu cầu chi ngân sách của Lầu Năm Góc, quỹ EDI sẽ có thêm từ 1,7 tỉ USD lên 6,5 tỉ USD trong năm tài khóa 2019.
Ông Ryan nói dân Czech không lạ với việc Nga gây tầm ảnh hưởng, ông kêu gọi các nước châu Âu tăng cường liên minh quân sự để chống Nga. Ông kêu gọi Czech ủng hộ Mỹ trong nỗ lực này ở các nước NATO, và vì ông Trump thúc đẩy, Mỹ có kế hoạch tăng cường đóng góp ít nhất 2% GDP cho NATO.