Theo tờ Guardian, Moskva cho biết họ có ý định thu hồi mảnh vỡ chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ bị rơi ở Biển Đen ngày 13/3 trong sự cố chạm trán với máy bay chiến đấu Nga. Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho biết mảnh vỡ của chiếc MQ-9 có thể nằm ở vùng nước sâu đến mức không thể thu hồi và sẽ không có giá trị tình báo thực sự.
"Tôi không biết liệu chúng tôi có thể thu hồi (máy bay) hay không, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ phải làm điều đó và sẽ xử lý việc đó", ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng an ninh Nga, cho biết ngày 15/3, và nhấn mạnh thêm: "Tôi chắc chắn hy vọng thành công."
Ông Sergei Naryshkin, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Nga, cho rằng Nga có năng lực về công nghệ để thu hồi các mảnh vỡ của máy bay không người lái MQ-9 Reaper từ đáy biển. Vị trí xảy ra sự cố được cho là nằm trong vùng biển quốc tế ngoài khơi bờ biển phía Tây bán đảo Crimea, nơi Nga đã thiết lập các căn cứ hải quân và sân bay.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm các tàu chiến đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu hơn một năm trước, và hải quân Mỹ hiện không có bất kỳ tàu chiến nào ở Biển Đen.
Cùng ngày, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, John Kirby cho biết xác chiếc MQ-9 vẫn chưa được thu hồi, đồng thời nhấn mạnh Mỹ có thể thu lại được.
Ông Kirby nói với CNN rằng nơi máy bay rơi xuống ở Biển Đen là vùng nước rất, rất sâu. "Vì vậy, chúng tôi vẫn đang đánh giá liệu có thể có bất kỳ nỗ lực thu hồi nào hay không. Có thể không có", ông Kirby nhấn mạnh.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho biết nơi máy bay không người lái lao xuống, biển sâu tới trên 1.500 mét, "vì vậy, bất kỳ hoạt động thu hồi nào ở độ sâu đó đều rất khó khăn dù được tiến hành bởi bất kỳ ai".
Mặc dù Mỹ không có tàu ở Biển Đen, Tướng Milley lưu ý rằng họ có "rất nhiều đồng minh và bạn bè trong khu vực".
"Chúng tôi sẽ phối hợp trong các hoạt động thu hồi. Đó là tài sản của Mỹ. Nhưng có lẽ nó đã vỡ tan tành. Thành thật mà nói, có lẽ không có nhiều thứ để thu lại", ông Milley nói. "Đối với việc mất bất kỳ thông tin tình báo nhạy cảm nào, chúng tôi đã thực hiện các biện pháp giảm nhẹ. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng bất cứ thứ gì có giá trị đều không còn giá trị nữa."
Mỹ tuyên bố máy bay không người lái trinh sát của họ đã bị hư hại và rơi xuống biển vào sáng 14/3 sau khi bị một máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đâm vào cánh quạt. Theo quân đội Mỹ, hai chiếc Su-27 của Nga đã đeo bám ít nhất nửa giờ để tìm cách phá hỏng chiếc Reaper, bằng cách đổ nhiên liệu lên nó và bay phía trước chiếc UAV.
Trong khi đó, Moskva phủ nhận việc máy bay của họ có bất cứ tiếp xúc, va chạm nào với máy bay không người lái Mỹ và khẳng định chiếc UAV này đã rơi xuống mặt biển sau khi thực hiện một cú "cơ động đột ngột".
Ngày 15/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã trao đổi về vụ việc trên với người đồng cấp Nga, Sergei Shoigu.
"Điều quan trọng là các cường quốc phải là hình mẫu minh bạch và giao tiếp", ông Austin nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông đã phàn nàn về "kiểu hành vi nguy hiểm và hung hăng" của các phi công quân sự Nga. Bộ trưởng Austin nói rằng video và hình ảnh về vụ việc đang được đánh giá vì lý do an ninh trước khi công bố, nhưng cho biết những dữ liệu đó đã xác nhận tuyên bố của Mỹ về vụ việc.
Bộ trưởng Quốc phòng Austin cũng khẳng định sự cố sẽ không ngăn cản hoạt động của Mỹ trong không phận quốc tế ở khu vực. "Chúng tôi sẽ tiếp tục bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", ông nói, đồng thời kêu gọi Nga vận hành máy bay của mình một cách "an toàn và chuyên nghiệp".
Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói với người đồng cấp Austin rằng việc Washington "tăng cường" thu thập thông tin tình báo chống lại Nga đã dẫn đến sự cố máy bay không người lái MQ-9. Trước đó, Bộ này cũng cảnh báo rằng họ sẽ phản ứng "tương xứng" với bất kỳ "hành động khiêu khích nào" trong tương lai của Mỹ.
Vụ việc ở Biển Đen hôm 14/3 là vụ va chạm đầu tiên được ghi nhận giữa máy bay Mỹ với máy bay Nga/Liên Xô kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Vào năm 1987, đã xảy ra sự cố liên quan đến một chiếc Su-27 của Liên Xô và một máy bay giám sát hàng hải P-3 Orion của Na Uy, khi đó cánh máy bay Liên Xô đã va vào một cánh quạt của máy bay Na Uy. Rất may là cả hai máy bay đều hạ cánh an toàn.
Vào tháng 4/2001, một máy bay chiến đấu J-8 của Trung Quốc đã va chạm với một máy bay do thám EP-3 của Mỹ ngoài khơi bờ biển Trung Quốc, khiến máy bay Trung Quốc bị rơi, phi công thiệt mạng và máy bay Mỹ buộc phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam, gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao.
Vụ việc hôm 14/3 đã làm hồi sinh nỗ lực của lưỡng đảng trong Quốc hội để Mỹ phát triển một chiến lược Biển Đen quyết đoán hơn.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney, một trong những người đồng bảo trợ cho dự luật này, cho rằng: "Chúng ta không thể để cho Nga xác định các quy tắc ở Biển Đen. Điều quan trọng là chính quyền Tổng thống Biden phải phát triển một chiến lược Biển Đen mạnh mẽ để tăng cường sự phối hợp giữa Mỹ, NATO và các đối tác ở Biển Đen của chúng ta".