Ô tô tự lái luôn được đánh giá cao trong những năm gần đây. Con số hơn 40 nghìn người chết vì tai nạn giao thông ở Mỹ năm 2016 (cao hơn so với năm trước) đã chỉ ra rằng con người không phải là những tài xế giỏi, bằng chứng là rất nhiều người đã phải trả giá bằng cả mạng sống của họ.
Một lợi ích khác của xe tự lái là với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phương tiện với nhau và với toàn bộ hệ thống giao thông - tắc nghẽn giao thông cơ bản sẽ bị đẩy lùi, đồng nghĩa với việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Do đó, ô tô tự lái mang đến một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả chúng ta.
Tuy vậy, phương tiện này vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Chiếc ô tô tự lái đầu tiên dự tính được chính thức ra mắt vào năm 2020 hay 2021, song chúng ta vẫn phải trải qua nhiều thập kỉ nữa mới thay thế được toàn bộ ô tô hiện có thành ô tô tự lái.
Từ giờ cho đến lúc đó, tắc nghẽn giao thông vẫn còn là một vấn đề lớn.
Hiện nay, một nhà nghiên cứu tại trường Đại học Clemson, ông Ali Reza Fayazi đang tiến hành mô hình ngã tư thông minh, được chứng minh vận hành hiệu quả hơn 100 lần so với hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
Bởi theo ông, ô tô không ngắt máy tự động khi dừng đèn đỏ, do đó mô hình này dự kiến sẽ giúp tiết kiệm đến 19% lượng nhiên liệu tiêu thụ.
Fayazi thiết kế một bộ điều khiển để quản lí ngã tư thông minh, có khả năng theo dõi vận tốc của các phương tiện và dùng thuật toán để tính toán tốc độ của chúng, làm sao để đưa ra con số vận tốc hợp lý nhất giúp các phương tiện vượt qua ngã tư sao cho ít phải giảm tốc nhất.
Điểm thú vị là Fayazi đã chứng minh điều này bằng cách dùng chính chiếc xe của mình để chạy thử trên mô hình giao thông mô phỏng, lần đầu tiên ứng dụng công nghệ “mô phỏng xe trong vòng lặp” (vehicle-in-loop simulation) được áp dụng để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Trước đó, nhà nghiên cứu Ars đã ứng dụng công nghệ mô phỏng này để làm minh chứng cho hệ thống cảnh báo tai nạn cho người đi bộ không làm nguy hại đến họ trên thực tế.
Fayazi đã tiến hành thử nghiệm nghiên cứu của mình tại Trung tâm Đổi mới Giao thông Quốc tế, thuộc Nam Carolina. Tại đây, một khu vực ứng dụng GPS để xác định ranh giới địa lý đã được thành lập, mô phỏng cho ngã tư thông minh.
Fayazi đã tiến hành thử nghiệm nghiên cứu của mình tại Trung tâm Đổi mới Giao thông Quốc tế, thuộc Nam Carolina
Bằng cảm biến GPS, bộ điều khiển có thể xem ô tô của Fayazi như một phương tiện tự lái, tương tự những dữ liệu đã có trong bộ nhớ. Fayazi cho biết ông rất muốn thử nghiệm mô phỏng này trên một phương tiện tự lái thật sự, tuy nhiên điều này rất khó khả thi.
Thay vào đó, bộ điều khiển đã trực tiếp kiểm soát tốc độ của ông giống như nghiên cứu đã chỉ ra, bằng cách cung cấp cho Fayazi một vận tốc nhất định để vượt qua ngã tư một cách an toàn.
Ứng dụng “mô phỏng xe trong vòng lặp” đang được chạy trên máy tính xách tay và điện thoại nhắc nhở lái xe cần duy trì tốc độ bao nhiêu để vượt qua ngã tư
Trong vòng một giờ đồng hồ, ngã tư thông minh chỉ yêu cầu 11 phương tiện phải dừng hoàn toàn. So sánh với việc sử dụng hệ thống đèn tín hiệu giao thông như hiện nay, con số này sẽ là 1.100 phương tiện.
Tuy nhiên, sẽ còn rất lâu nữa để tất cả chúng ta được trải nghiệm công nghệ này. Như các bạn có thể thấy, mô phỏng này chỉ vận hành tốt khi tất cả các phương tiện băng qua ngã tư đều được điều khiển bởi hệ thống.
Do đó nó có thể không giúp ích nhiều trong giai đoạn chuyển giao từ ô tô người lái sang ô tô tự lái, khi hệ thống giao thông bao gồm cả 2 loại phương tiện này.
Thêm vào đó, việc đi lại của người đi bộ cũng là một trở ngại. Theo Fayazi, mục tiêu tiếp theo của ông là sớm ứng dụng công nghệ này vào môi trường giao thông “hỗn hợp” tại các thành phố thông minh, khi xu hướng “dịch chuyển công nghệ cao” ngày một phát triển.