Binh sỹ Nga và Trung Quốc tập trận chung tại khu tự trị Hồi Ninh Hạ. Ảnh: Tân Hoa xã
Mối lo trước nguy cơ bạo lực lan rộng tại Trung Á
Nga và Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận chung chống khủng bố quy mô lớn, kéo dài trong 5 ngày (từ 9 đến 14/8) tại căn cứ huấn luyện chiến thuật phối hợp ở khu tự trị Hồi Ninh Hạ của Trung Quốc.
Theo giới phân tích, cuộc tập trận này đã cho thấy mối quan ngại của hai nước về nguy cơ bạo lực có thể vượt xa biên giới Afghanistan và lan rộng tại Trung Á.
Dù được coi là các đối thủ kinh tế tại Trung Á, nhưng trước viễn cảnh các nhóm cực đoan có thể giành được một chỗ đứng ngay trước ngưỡng cửa, Nga và Trung Quốc đã xích lại gần nhau hơn. Một số ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng về an ninh tại Trung Á thậm chí có thể thúc đẩy hai bên tiến hành các chiến dịch can thiệp quân sự chung, nhưng cũng có ý kiến nghi ngờ quan hệ đối tác này có thể nhanh chóng chuyển thành quan hệ cạnh tranh.
Hơn 10.000 binh sỹ của cả Nga và Trung Quốc đã được triển khai tới khu tự trị Hồi Ninh Hạ cùng với một số lượng lớn đạn pháo, máy bay và xe bọc thép.
Trong khuôn khổ cuộc tập trận, các binh sỹ hai nước diễn tập bắn hàng nghìn quả đạn pháo vào các mục tiêu giả định, điều khiển máy bay chiến đấu ném bom và tiến hành các cuộc tấn công trên mặt đất nhằm vào căn cứ của “kẻ thù” .
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Taliban đang đẩy mạnh tấn công tại khu vực miền Bắc Afghanistan, chiếm quyền kiểm soát các thủ phủ của 9 tỉnh tại quốc gia này. Taliban đã giành được lợi thế đáng kể về mặt lãnh thổ kể từ khi Mỹ bắt đầu rút binh sỹ vào tháng 5 vừa qua.
Số liệu thống kê cho biết, lực lượng này hiện kiểm soát hơn 1 nửa trong số 400 quận của Afghanistan, nhiều gấp đôi so với con số mà họ chiếm đóng cách đây vài tháng.
Hiện Nga và Trung Quốc đang lo ngại bạo lực có thể lan rộng sang các nước láng giềng Trung Á của Afghanistan.
Trong một dấu hiệu cho thấy sự lo lắng gia tăng, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Uzbekistan và Tajikistan gần biên giới Tajikistan – Afghanistan. Truyền thông Nga dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu ngày 11/8 cho biết, Taliban đã giành quyền kiểm soát khu vực biên giới của Afghanistan với 2 quốc gia nói trên.
Khả năng thực hiện chiến dịch quân sự chung
Cả Trung Quốc và Nga đều có những lợi ích kinh tế đáng kể tại Trung Á. Nga đã tích cực kết nạp các nước trong khu vực vào Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), trong khi Trung Quốc cũng đầu tư mạnh mẽ vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con Đường.
Dù Nga và Trung Quốc tích cực tranh giành ảnh hưởng về kinh tế nhưng cuộc khủng hoảng tại Afghanistan đã khiến hai bên thu hẹp mọi bất đồng, Vasily Kashin, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Học viện Khoa học Nga lưu ý.
“Nga và Trung Quốc có lợi ích chung từ việc đảm bảo ổn định trong khu vực, lợi ích này lớn hơn so với bất cứ sự cân đo đong đếm nào về mặt kinh tế. Không một quốc gia nào muốn thấy Trung Á trở nên bất ổn hoặc có sự hiện diện quân sự của Mỹ”, ông Vasily Kashin nhận xét.
Trước đó hôm 28/7, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Shoigu tại Dushanbe, Tajikistan, để thảo luận về sự thay đổi tình hình ở Afghanistan và Trung Á. Hai bên cam kết sẽ hợp tác để thực hiện nỗ lực “duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Sau cuộc tập trận chung trong tuần này, Nga và Trung Quốc sẽ chức một cuộc tập trận chống khủng bố khác vào giữa tháng 9/2021 tại khu vực Orenburg của Nga. Cuộc tập trận này sẽ có sự tham gia của hơn 4.000 binh sỹ, diễn ra dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Nga và Trung Quốc dẫn đầu.
Tuy vậy, chuyên gia Vasily Kashin cho rằng, nếu tình hình ở Afghanistan tiếp tục xây đi, Bắc Kinh và Moscow có thể sẽ hành động quyết liệt hơn. Trong trường hợp Afghanistan biến thành bệ phóng cho các cuộc tấn công vào Trung Á thì 2 quốc gia này rất có thể sẽ tiến hành chiến dịch quân sự chung để loại bỏ mối đe dọa đó.
“Nếu việc ổn định tình hình tại Afghanistan hoặc các vùng lãnh thổ lân cận trở nên cần thiết, chúng ta sẽ chứng kiến sự hình thành một liên minh dưới sự lãnh đạo của Nga và Trung Quốc. Bởi không ai muốn hành động một mình trong những tình huống khó khăn như vậy”, ông Vasily Kashin nói.
Theo chuyên gia này, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tại Trung Á, Nga và Trung Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào nhau. Các lực lượng vũ trang Nga có thể giúp quân đội Trung Quốc rèn luyện kỹ năng chiến đấu trên thực địa. Đổi lại, Trung Quốc có thể hỗ trợ chi phí giúp Nga chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự lớn.
Quân đội của Nga và Trung Quốc từng có kinh nghiệm hợp tác với nhau thông qua các cuộc tập trận chung được tiến hành trên biển, trên bộ và trên không kể từ năm 2005. Nhiều cuộc tập trận trong số này tập trung vào kịch bản hai bên phối hợp tấn công và giành lấy vùng lãnh thổ mà những kẻ khủng bố chiếm đóng.
Chuyên gia quân sự Nga Viktor Murakhovsky - Tổng biên tập tạp chí "Kho vũ khí của tổ quốc" cho rằng, những kinh nghiệm này sẽ giúp ích rất nhiều trong trường hợp Nga và Trung Quốc quyết định khởi động một chiến dịch quân sự chung tại Trung Á.
Khó tránh tình thế đối đầu
Bất chấp sức mạnh về chính trị và kinh tế mà sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc mang lại, một số chuyên gia cảnh báo rằng, hai bên có thể xảy ra những mâu thuẫn nghiêm trọng nếu tình hình tại Afghanistan thay đổi theo chiều hướng khó lường.
Ông Andrei Serenko, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Afghanistan hiện đại (trụ sở tại Moscow) nhận xét rằng, ở thời điểm hiện tại, cả Taliban và quân đội chính phủ Afghanistan đều không có khả năng giành được thắng lợi quyết định về mặt quân sự.
Sự chênh vênh trong cán cân quyền lực tại Afghanistan có thể có lợi cho sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc vì hai bên cùng phải đối mặt với một mối đe dọa tiềm ẩn, đó là Afghanistan có thể trở thành nơi ẩn náu cho các nhóm cực đoan muốn nhắm mục tiêu tấn công vào Trung Á.
“Nhưng nếu ở một thời điểm nào đó trong tương lai gần, động lực này thay đổi, chẳng hạn như quân chính phủ hoặc Taliban giành có khả năng giành được chiến thắng hoàn toàn, hoặc một tác nhân mới can dự vào cuộc xung đột, thì chúng ta sẽ thấy một cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Afghanistan mà ở đó Nga và Trung Quốc có thể hậu thuẫn cho các phe phái khác nhau”, ông Serenko nói.
“Với kịch bản này, chúng ta có thể chứng kiến tình huống Nga và Trung Quốc trở thành đối thủ trong một trò chơi chính trị tại Afghanistan”.