Nga, Trung Quốc nói gì việc Mỹ rút khỏi INF?

Tri Túc |

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo quyết định của Mỹ đe dọa an ninh ở nhiều khu vực. Trong khi Nga gọi đây là sai lầm nghiêm trọng.

Trung Quốc phản đối động thái của Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 2-8 cho hay.

“Trung Quốc phản đối những hành động như vậy. Chúng tôi yêu cầu Mỹ tuân thủ các nghĩa vụ của mình” - hãng tin TASS trích lời bà Hoa ngày 2-8.

Nga, Trung Quốc nói gì việc Mỹ rút khỏi INF? - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: REUTERS

Theo nhà ngoại giao Trung Quốc, bằng việc vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của mình, Mỹ “thực sự tìm kiếm sự vượt trội trong vũ khí chiến lược. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định và làm suy yếu cán cân sức mạnh toàn cầu. Căng thẳng sẽ leo thang và sự mất niềm tin lẫn nhau trên trường quốc tế sẽ tăng lên”.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo quyết định của Mỹ đe dọa an ninh ở nhiều khu vực.

Nga nói Mỹ rút khỏi INF là sai lầm nghiêm trọng

Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF vào ngày 2-8 sau khi thông báo kế hoạch này hồi tháng 2. Cùng ngày trước đó không lâu Nga tuyên bố Hiệp ước INF "đã chết”. Cả Washington và Mosow đều đổ lỗi cho nhau không tuân thủ thỏa thuận song cả hai đã quyết định xé bỏ thỏa thuận thay vì tìm cách cứu vãn, theo Sputnik.

Bộ Ngoại giao Nga đã gọi quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận INF là “sai lầm nghiêm trọng”. Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng hành động của Mỹ được khởi đầu bằng những nỗ lực của Washington trong việc làm suy yếu hiệp ước, tạo ra tiền đề cho sự sụp đổ của nó. Nga cho rằng những nỗ lực này cho thấy Mỹ đã tạo đà cho việc phá hủy toàn bộ các hiệp ước quốc tế mà Washington thấy không phù hợp mà không cần lý do gì.

“Với việc khởi động một chiến dịch tuyên truyền, dựa trên những thông tin sai lệch có chủ ý về sự vi phạm của Nga đối với INF, Mỹ đã cố tình tạo ra một cuộc khủng hoảng không khắc phục được xoay quanh hiệp ước này. Rõ ràng lý do của hành động này là Mỹ muốn được thoát khỏi những hạn chế hiện nay" -thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, việc rút khỏi INF cho thấy cần có sự ổn định trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Nga, thêm rằng Moscow vẫn sẵn sàng đối thoại về việc khôi phục niềm tin lẫn nhau và tăng cường an ninh toàn cầu.

Bộ Ngoại giao Nga cũng yêu cầu Mỹ từ bỏ kế hoạch triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung, cam kết rằng nếu như vậy, Nga sẽ không triển khai các vũ khí tương tự để đáp trả. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng trong trường hợp ngược lại, Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm về những căng thẳng gia tăng.

“Chúng tôi đã đưa ra một lệnh cấm đơn phương và sẽ không triển khai tên lửa phóng từ mặt đất tầm trung và tầm ngắn, nếu chúng tôi thực hiện được như vậy ở những khu vực này thì các vũ khí tương tự của Mỹ cũng sẽ không xuất hiện ở đó” - tuyên bố cho biết.

Bộ Ngoại giao Nga cũng nhắc lại việc Washington đã phớt lờ “những lo ngại nghiêm trọng” của Moscow về sự tuân thủ INF của Mỹ trong nhiều năm. Cụ thể, Nga chỉ ra rằng máy bay không người lái tấn công của Mỹ nằm trong nội dung của INF và chúng có tầm hoạt động bị cấm trong INF 500-5.500 km. Thêm vào đó, Moscow nói rằng việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất Aegis Ashore ở châu Âu cũng vi phạm thỏa thuận INF.

Trước đó trong ngày 2-8, trong thông báo về việc Mỹ rút khỏi INF , Ngoại trưởng Mike Pompeo viết: "Mỹ sẽ không còn là một bên trong bản hiệp ước mà Nga đã cố tình vi phạm. Việc Nga không tuân thủ bản hiệp ước gây nguy hiểm cho lợi ích tối cao của Mỹ khi họ phát triển và triển khai các tên lửa vi phạm các quy định trong hiệp ước, tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của mình".

Về phần mình, Nga bác bỏ cáo buộc của Mỹ và Nga khẳng định rằng họ đã cung cấp mọi tài liệu chứng minh rằng các hiệp ước của mình không vi phạm hiệp ước nhưng Mỹ đã phớt lờ những chứng cứ này.

Trong phát biểu ngày 2-8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Washington đã bắt đầu phát triển "các hệ thống tên lửa dẫn đường và đạn đạo mặt đất, thông thường và có tính di động".

"Bây giờ chúng tôi đã rút khỏi INF, Bộ Quốc phòng sẽ theo đuổi việc phát triển các tên lửa mặt đất này như là một phản ứng cẩn trọng với các hành động của Nga.

Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh trong việc hướng tới triển khai chiến lược quốc phòng, bảo vệ quốc phòng và xây dựng năng lực đối tác" - hãng tin AFP dẫn lời ông Esper nói.

Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày cho hay ông muốn một thỏa thuận hạt nhân mới toàn diện với Nga và Trung Quốc .

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại