Nga - Trung Quốc khiến Mỹ phải mua thêm LRASM

Đan Nguyên |

Trong khi Nga tuyên bố gia tăng kho vũ khí hạt nhân, Trung Quốc nâng cấp, thì Mỹ lại tăng sức mạnh hải quân bằng cách mua tên lửa LRASM.

Mỹ tăng tốc

Theo Sputnik, Hải quân Mỹ sẽ phóng thử một tên lửa không đối hạm tầm xa (LRASM) nặng hơn 1 tấn từ máy bay ném bom trong năm 2017 và máy bay chiến đấu trước năm 2019, do thời gian chế tạo được rút ngắn đáng kể.

Đại tá Jaime Engdahl, giám đốc điều hành chương trình Vũ khí tiến công chính xác của Bộ Tư lệnh không quân của hải quân cho biết hôm 15/12: "Thời gian chế tạo được cắt ngắn xuống còn một nửa".

Cùng với thử nghiệm, Mỹ âm thầm tăng sức mạnh hải quân bằng cách mua tên lửa LRASM. Theo Defense Tech, Hải quân Mỹ đang đàm phán với hãng chế tạo Lockheed Martin về việc đặt mua dòng tên lửa hành trình diệt hạm LRASM.

 Nga - Trung Quốc khiến Mỹ phải mua thêm LRASM  - Ảnh 1.

Tên lửa LRASM

Theo kế hoạch của Hải quân Mỹ, dự kiến từ năm 2019 sẽ trang bị LRASM trên máy bay chiến đấu hải quân F/A-18E/F Super Hornet nhằm nâng cao hiệu quả tác chiến đối hải.

Với LRASM, máy bay chiến đấu hải quân có thể phát hiện và tấn công tiêu diệt các mục tiêu chiến hạm nổi, tàu ngầm của đối phương ở khoảng cách lớn (nằm ngoài ô phòng không trên hạm).

Theo giới thiệu của hãng Lockheed Martin, LRASM có thể tấn công chính xác các mục tiêu ở khoảng cách tới 375 km và tầm bắn tối đa có thể đạt tới 900 km với các điều kiện thích hợp.

Đặc biệt, LRASM có khả năng bay ở độ cao cực thấp, bám địa hình để tránh bị phát hiện. Vì chỉ có tốc bay tối đa gần chạm mốc tường âm thanh (cận âm), nên LRASM rất nhỏ gọn và có trọng lượng nhẹ.

Trước khi Hải quân Mỹ quyết định đặt mua, LRASM đã qua một số lần phóng thử nghiệm và lần gần đây nhất là thử nghiệm thành công hồi tháng 2/3015 trên máy bay ném bom B-1B Lancer.

Nhà sản xuất Lockheed Martin cho biết thêm, LRASM có khả năng tấn công chính xác mục tiêu nhờ đầu dò đa chế độ, kênh kết nối thông tin bảo mật với máy bay mẹ và hệ thống định vị vệ tinh.

Sau khi được phóng đi, LRASM sẽ đối chiếu vị trí mục tiêu qua kênh định vị vệ tinh. Hệ thống dẫn đường trên tên lửa sẽ tính toán tối ưu hóa đường bay và dự đoán các mối nguy cơ đe dọa tên lửa.

Ở pha cuối khi tiếp cận mục tiêu, cảm biến hình ảnh của LRASM sẽ so sánh ảnh mục tiêu với kho dữ liệu đã được cập nhật từ trước giúp giảm khả năng bị gây nhiễu hoặc đánh lừa.

Ngoài trang bị trên máy bay, LRASM cũng phù hợp trang bị trên chiến hạm mang hệ thống điều phối hỏa lực Aegis, đại diện của Lockheed Martin cho biết.

Trung - Nga công khai

Động thái Hải quân Mỹ quyết định mua tên lửa hành trình diệt hạm hạng nặng LRASM được diễn ra ngay sau khi Trung Quốc quyết định nâng cấp kho tên lửa hạt nhân và Nga cũng có kế hoạch tương tự.

Theo thông tin được New York Times dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết, hồi giữa năm 2016, Trung Quốc đã gây bất ngờ khi quyết định nâng cấp nhiều tên lửa đạn đạo tầm xa của họ để có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân.

Theo Liên hiệp Các nhà khoa học Mỹ (FAS), Trung Quốc đã duy trì kho vũ khí hạt nhân với khoảng “vài trăm đầu đạn” trong 30 năm qua mà không thấy cần thiết phải đưa chúng vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu hoặc tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang đầy tốn kém với Mỹ và Nga.

Mọi chuyện đều có thể thay đổi, FAS cảnh báo. Đặc biệt là khi Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên bất đồng sâu sắc về lập trường trong vấn đề Biển Đông và Hoa Đông.

FAS cho biết, Trung Quốc đã nâng cấp 10 trong tổng số 20 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong 5 (DF-5) để mỗi quả tên lửa này có thể mang theo 3 đầu đạn hạt nhân chứ không phải 1 đầu đạn như ban đầu. Như vậy, với sự nâng cấp này, DF-5 được sở hữu sức mạnh có thể sánh ngang với tên lửa hạt nhân của Nga và Mỹ.

Trong khi đó, Nga cũng "sẽ tăng kho vũ khí hạt nhân vì các hành động của Mỹ". Ông Mikhail Ulyanov, Giám đốc Cơ quan chống phổ biến hạt nhân và kiểm soát vũ khí tại Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo các biện pháp của Mỹ nhằm làm giảm sự cân bằng chiến lược toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá của các bên tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ở New York, ông Ulyanov nói rằng đề xuất của Mỹ nhằm giảm bớt 1/3 số đầu đạn hạt nhân mà các bên sở hữu được đưa ra dựa trên cơ sở số vũ khí còn lại vẫn đủ để 2 nước tự vệ và bảo vệ đồng minh.

Ông Mikhail Ulyanov nói rằng thật không may, hành động của Mỹ mang đến các yếu tố bất lợi cho Nga và có thể đẩy Nga tới chỗ tăng kho vũ khí hạt nhân. Quan chức Nga nói rằng ở thời điểm hiện nay, Moscow chưa có ý định tăng kho vũ khí.

“Những gì người Mỹ đang làm khiến nỗ lực giải giáp vũ khí hạt nhân trở nên rất khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi”, theo ông Mikhail Ulyanov.

Phát biểu về các yếu tố cản trở nỗ lực giải giáp vũ khí hạt nhân, ông Mikhail Ulyanov chỉ vào chương trình lá chắn tên lửa của Mỹ, việc Washington từ chối lệnh cấm đặt vũ khí trong không gian, hệ thống Tấn công toàn cầu mau lẹ (PGS) và sự mất cân bằng nghiêm trọng trong việc bố trí vũ khí quy ước ở châu Âu.

Tuy nhiên, vị quan chức này nhấn mạnh, Nga tiếp tục thực thi các nghĩa vụ theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START). Ông cho biết rằng trong Hội nghị đánh giá lần trước, tổ chức hồi năm 2010, Nga đã có tổng cộng 3.900 đầu đạn hạt nhân. “Ngày hôm nay, hơn 6 năm sau thời điểm trên, chúng tôi chỉ còn 1.582 đầu đạn”, ông cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại