Khói bốc lên từ cầu Crimea – tuyến đường bộ và đường sắt bắc qua eo biển Kerch nối Nga với Crimea – sau khi một chiếc xe tải phát nổ vào ngày 8/10/2022. Ukraine đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Ảnh: AFP
Phản ứng của Trung Quốc
Tại cuộc họp báo ngày 27/11, khi trả lời câu hỏi của Hãng thông tấn quốc gia Ukraine Ukrinform về cáo buộc có kế hoạch xây dựng đường hầm dưới nước từ Crimea tới Nga, - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: "Thông tin này không có cơ sở, tôi sẽ không bình luận về nó."
Trước đó, tờ Washington Post của Mỹ hôm 24/11 đưa tin, Trung Quốc và Nga đang thảo luận về khả năng cùng nhau xây dựng một đường hầm dưới eo biển Kerch, nơi sẽ được bảo vệ tốt hơn trước các cuộc tấn công của Ukraine và có thể trở thành giải pháp thay thế trong trường hợp cầu Crimea bị hư hại.
Phản ứng của Nga
Theo kênh Espreso TV (Ukraine), Điện Kremlin trước đó cũng từ chối bình luận về việc xây dựng đường hầm dưới eo biển Kerch nối Nga với bán đảo Crimea.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói: "Việc này thậm chí không đáng để bình luận".
Sergey Aksyonov - người đứng đầu bán đảo Crimea do Nga bổ nhiệm - gọi bài báo của Washington Post viết về kế hoạch xây dựng đường hầm là dối trá. Ông nói thêm rằng, đường hầm dưới lòng đất là một trong những lựa chọn để băng qua eo biển Kerch, nhưng các nhà chức trách Nga cuối cùng đã quyết định xây dựng một cây cầu.
Tổng thống Vladimir Putin đi thị sát cầu Crimea vào năm 2018. Ảnh: Getty
Phương Tây nói gì?
Trang Newsweek dẫn lời các chuyên gia cho rằng đường hầm dưới nước từ Crimea đến Nga sẽ không giải quyết được vấn đề của Nga.
"Đường hầm dưới nước xuyên qua eo biển Kerch sẽ dễ bị tổn thương trong suốt quá trình xây dựng cũng như sau khi hoàn thành", cựu Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu Ben Hodges cho biết trong một bình luận với Newsweek. Vị tướng này nói thêm rằng sẽ không dễ để Nga xây dựng được công trình này.
"Có những vấn đề kỹ thuật thực sự liên quan đến ý tưởng này... Đáy Biển Đen hoặc Biển Azov ở khu vực này không phù hợp lắm ngay cả đối với cầu qua eo biển Kerch, vì vậy địa chấn sẽ là vấn đề thực sự đối với đường hầm", vị tướng Mỹ giải thích.
Keir Giles - chuyên gia tư vấn cấp cao của chương trình Nga và Á - Âu tại tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh) - cho biết, bản thân đường hầm sẽ vẫn là một vấn đề đối với Nga.
"Nếu nó thực sự được xây dựng, đây sẽ là tuyến giao thông an toàn hơn đến và đi từ Crimea bị sáp nhập, nhưng nó vẫn sẽ là một lối đi hẹp và chừng nào tình trạng thù địch vẫn tiếp diễn, bất kỳ ai đi qua đường hầm giả định này đều sẽ lo lắng", ông Giles nói.
Eo biển Kerch nối Biển Azov với Biển Đen và ngăn cách bán đảo Crimea với vùng lãnh thổ Krasnodar của Nga. Chiều rộng của eo biển ở những nơi khác nhau thay đổi từ 4,5 đến 15 km. Độ sâu lớn nhất là 18 m. Nhìn bề ngoài, hai khu vực của Nga được kết nối bằng cầu Crimea dài gần 20 km được xây dựng bắc qua eo biển vào năm 2016-2019.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, cây cầu này đã nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công của Ukraine.