Theo Reuters, Moskva đã viện dẫn quan điểm luật pháp quốc tế 50 năm tuổi để phản đối hành động của Mỹ.
Ngoại trưởng Nga ông Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đồng loạt gửi thư tới Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và người đứng đầu LHQ, khi Mỹ đe dọa sẽ kích hoạt lệnh trừng phạt theo thỏa thuận hạt nhân Iran, mặc dù Washington đã đơn phương rút bỏ khỏi hiệp định năm 2018.
Bức thư được viết ngày 27/5 của ông Lavrov đã được công khai trong tuần này nói rằng Mỹ "thật nực cười và vô trách nhiệm".
"Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được khi Washington muốn hưởng lợi từ cả hai chiều trong khi điều đó là không thể," ông Lavrov viết.
Washington đe dọa sẽ kích hoạt trở lại các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Iran nếu như HĐBA không gia hạn một lệnh cấm vận vũ khí sẽ hết hạn vào tháng 10 tới, theo thỏa thuận mà Tehran đã đồng ý với các nước nhằm ngăn chặn nước này phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuần trước, Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft cho biết một dự thảo nghị quyết về lệnh cấm vận vũ khí kể trên sẽ sớm được đưa ra.
Các ủy viên có quyền phủ quyết tại HĐBA là Nga và Trung Quốc đã phát tín hiệu cho thấy họ phản đối việc tái áp đặt cấm vận vũ khí với Iran. Nếu hai nước này chặn dự thảo nghị quyết của Mỹ, Washington sẽ phải đơn phương thực thi các cấm vận của mình.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị viết trong lá thư gửi HĐBA ngày 7/6: "Mỹ không còn là thành viên của thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) sau khi đơn phương rút bỏ, và không có quyền yêu cầu HĐBA viện dẫn lệnh tái trừng phạt Iran."
Trong nghị quyết của LHQ, thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 cho phép tái kích hoạt các lệnh trừng phạt đối với Iran nếu Tehran vi phạm thỏa thuận, bao gồm cấm vận vũ khí. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA.
Ông Lavrov trích dẫn ý kiến của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) năm 1971, chỉ ra rằng một nguyên tắc cơ bản chi phối các mối quan hệ quốc tế là "một bên từ chối hoặc không thực hiện nghĩa vụ của mình như thỏa thuận đã ký thì không còn có những quyền xuất phát từ mối quan hệ đó".
Iran đã vi phạm một phần của thỏa thuận hạt nhân, bao gồm tái khởi động làm giàu uranium, để đáp trả việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trừng phạt nước này.
Phía Mỹ lập luận rằng họ vẫn có thể kích hoạt lại lệnh trừng phạt vì vẫn là một bên tham gia nghị quyết năm 2015 của LHQ. Các nhà ngoại giao cho rằng Washington có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc giằng co gian nan trong vấn đề này.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus