Bắc Kinh vài năm trở lại đây không giấu diếm tham vọng mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, điểm dừng chân thường xuyên của các nhà ngoại giao và đầu tư Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang tìm cách tăng cường tham gia vào lĩnh vực an ninh quốc phòng ở lục địa đen.
Hôm 14/7, Diễn đàn hòa bình an ninh Trung Quốc-châu Phi lần đầu tiên được tổ chức quy tụ gần 100 đại diện cấp cao từ Bộ Quốc phòng của 50 quốc gia châu Phi và Liên minh châu Phi. Nội dung chính của diễn đàn này là thảo luận về cách tiếp cận mới của hợp tác an ninh Trung Quốc-châu Phi trong kỷ nguyên mới.
Ngoài việc là nơi đặt nhiều dự án của Sáng kiến "Vành đai và Con đường" tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình, châu Phi còn là nơi đặt căn cứ quân sự nước ngoài duy nhất của Trung Quốc tại Djibouti, cách không xa căn cứ của Mỹ.
Washington thời gian qua liên tục kêu gọi các nước châu Phi cảnh giác trước các khoản đầu tư của Trung Quốc nhưng với nhiều quốc gia, cảnh báo này không hiệu quả.
"Trước những tình huống mới, nguyện vọng và lợi ích chung của Trung Quốc và châu Phi trong lĩnh vực hòa bình và an ninh ngày càng tăng", Thiếu tướng Song Yanchao, Phó Giám đốc Văn phòng Hợp tác Quốc tế của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói.
Dân số châu Phi ước tính vào khoảng 1,2 tỷ người, thấp hơn 200 triệu người so với Trung Quốc nhưng GDP của toàn lục địa này chỉ bằng 1/6 nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trong 54 quốc gia ở châu Phi, có tới 39 quốc gia đã ký các văn bản cam kết hợp tác với Sáng kiến "Vành đai và Con đường" . Sáng kiến này làm dấy lên quan ngại về việc các nước châu Phi có thể sẽ dính phải "bẫy nợ" của Trung Quốc dù Bắc Kinh nhiều lần phủ nhận.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang học hỏi cách tiếp cận của Trung Quốc. Một trong số đó là Nga.
Tại cuộc họp hôm 15/7 thảo luận về việc cải thiện đầu tư của Matxcơva vào châu Phi, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rằng "có lý do chính đáng để chú ý đến kinh nghiệm của Trung Quốc khi Bắc Kinh cung cấp cho các doanh nghiệp của họ các khoản bảo lãnh và trợ cấp nhà nước, từ đó giúp họ có thể yên tâm hoạt động tại nước ngoài lâu dài".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hội đàm với người đồng cấp Bờ Biển Ngà Marcel Amon-Tanoh. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga)
Một ngày sau đó, ông Lavrov có cuộc hội đàm với người đồng cấp Bờ Biển Ngà Marcel Amon-Tanoh. Sau cuộc gặp, ông nhấn mạnh với các phóng viên rằng Nga muốn "đưa quan hệ với châu Phi đến một mức độ khác biệt về chất".
Điều này bao gồm không chỉ xét về khía cạnh thúc đẩy đầu tư, mà còn ở những "đóng góp đáng kể" trong lĩnh vực an ninh , đặc biệt là trong công cuộc chống lại mối đe dọa của các nhóm thánh chiến như IS, Al-Qaeda, Boko Haram và Al-Shabab và chống lại nạn cướp biển ngoài khơi bờ biển phía Tây và Đông Phi.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov hôm 15/7 cho biết khoảng 35 nhà lãnh đạo xác nhận sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi dự kiến diễn ra tại Sochi vào tháng 10.
Trong khi Nga và Trung Quốc không ngừng tự hào về các mối quan hệ đang ngày càng tốt đẹp với châu Phi, giọng điệu của Mỹ lại có phần khác biệt.
Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Mỹ-Phi tháng trước tại Mozambique, Thứ trưởng Thương mại Mỹ Karen Dunn Kelley thừa nhận xuất khẩu sang châu Phi từ Mỹ giảm 32% kể từ năm 2014.
"Chúng tôi đang mất chỗ đứng trước các hoạt động kinh doanh ngày càng tinh vi của các đối thủ nước ngoài", bà Kelley nói.
Chính quyền Tổng thống Trump nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh và Matxcơva xâm nhập vào châu Phi, theo đuổi các thỏa thuận mờ ám với các nước ở lục địa này hòng trục lợi cho riêng mình.
Hồi tháng 4. Chỉ huy Bộ Tư lệnh Châu Phi Mỹ Stephen Townsend thừa nhận Trung Quốc và Nga đang cung cấp rất nhiều hỗ trợ quân sự và kinh tế cho châu Phi cùng nhiều ràng buộc đi kèm với các hỗ trợ đó.
Nhìn vào thực tế, ngoài Ai Cập, Ngoại trưởng Mike Pompeo chưa tới bất cứ nước nào khác ở châu Phi. Người tiền nhiệm của ông Rex Tillerson phải cắt ngắn chuyến công du vào tháng 3/2017 sau khi nhận được quyết định sa thải đột ngột từ Tổng thống Trump.