Nga trang bị siêu radar
Dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Nga, tờ Svobodnaya Pressa cho biết, hệ thống radar Podsolnukh là sản phẩm của Tổ hợp thiết kế NIIDAR tại Moskva.
Trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng Nga đã lên kế hoạch triển khai các hệ thống Podsolnukh tại vùng cực, khu vực Đông Nam và phía Tây nước này. Hiện tại, Nga đã triển khai 3 hệ thống Podsolnukh tại khu vực Viễn Đông và Biển Caspian.
Nguồn tin trên cho biết, radar Podsolnukh cung cấp khả năng giám sát rộng tới 500km đối với các mục tiêu trên không và trên biển. Tầm giám sát của Podsolnukh phụ thuộc vào độ cao hoạt động của mục tiêu (tầm quét của radar bị ảnh hưởng do độ cong của Trái đất).
Hệ thống radar của Nga.
Còn theo nguồn tin Global Security, radar Podsolnukh có khả năng phát hiện và giám sát cùng lúc tới 300 mục tiêu trên biển và 100 mục tiêu trên không. Công nghệ hiện đại áp dụng trên Podsolnukh cho phép phát hiện mục tiêu trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết.
Đặc biệt, với băng tần sóng ngắn, radar này có thể "vạch mặt" các mục tiêu trang bị công nghệ tàng hình, bắt chúng hiện rõ ràng trên màn hình hiển thị như máy bay ở thời Thế chiến 2", tờ báo Nga Svobodnaya Pressa đăng tải, khi đánh giá về khả năng của radar Podsolnukh khi đối phó với các mục tiêu tàng hình như máy bay F-35.
Nhờ khả năng tự động hóa cao, kíp điều khiển radar Podsolnukh chỉ cần 3 người, tiêu thụ điện năng thấp và dễ dàng bảo dưỡng. Mỗi trạm radar dạng này cần đặt cách nhau 370km để đạt được khả năng giám sát tối ưu.
Tờ Svobodnaya Pressa đánh giá, các hệ thống radar cảnh giới và giám sát ngoài đường chân trời đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới có đường bờ biển dài để đối phó với nhiều mối nguy cơ khác nhau.
Lá chắn tên lửa chung
Gần như đồng thời với kế hoạch trang bị siêu radar của Nga là việc xây dựng hệ thống phòng thủ chung của Baltic. Cụ thể, hồi cuối tháng 7/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewic, nước này chuẩn bị ký hợp đồng mua hệ thống Patriot trị giá 5,6 tỷ USD với nhà thầu quốc phòng Raytheon.
Đây là bản hợp đồng đã bị tạm ngưng hồi cuối năm 2015. Vị bộ trưởng này cho biết, lý do để Ba Lan nối lại gói mua sắm này với Raytheon là bởi công ty này cam kết rằng 50% chi phí của hệ thống sẽ được chi trả cho các công việc do các công ty vũ khí của Ba Lan đảm nhận.
Chính phủ Ba Lan đã thông báo về kế hoạch mua hệ thống tên lửa phòng không Patriot từ nhà thầu Raytheon hồi tháng 4/2015, tuy nhiên đến tháng 11 quyết định tạm ngưng do chi phí đắt đỏ và thời gian chuyển giao quá lâu.
Tại thời điểm đó, Ba Lan không có ý định hủy thỏa thuận mua hệ thống Patriot của Raytheon nhưng muốn có thêm thời gian để cân nhắc về các điều kiện, cụ thể là đàm phán về chi phí.
Nói về quyết định nối lại thương vụ Patriot của Ba Lan, tờ Financial Times cho rằng việc Warszawa mua hệ thống phòng không từ Mỹ nhằm trang bị cho mạng lưới phòng thủ chung với các nước Baltic do xuất hiện mối lo ngại từ Nga.
Theo nguồn tin này, Ba Lan và các nước Baltic đang đàm phán với các tổ hợp công nghiệp quân sự về việc thành lập hệ thống phòng thủ chống máy bay, nhằm bảo vệ biên giới của các nước này chống lại lực lượng không quân hùng mạnh của Nga.
Tờ báo Anh đưa tin, với việc gia tăng hiện diện của quân đội Nga gần biên giới 3 nước NATO ở vùng Baltic là Estonia, Latvia, Litva (Lithunia) và quốc gia cùng khối khác là Ba Lan, chính quyền của các quốc gia này cho rằng họ cần phải tăng cường khả năng quốc phòng.
Tờ báo Anh đưa tin, với việc gia tăng hiện diện của quân đội Nga gần biên giới 3 nước NATO ở vùng Baltic là Estonia, Latvia, Litva (Lithunia) và quốc gia cùng khối khác là Ba Lan, chính quyền của các quốc gia này cho rằng họ cần phải tăng cường khả năng quốc phòng.
Trả lời phỏng vấn của Financial Times, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Juozas Olekas nhấn mạnh, tại thời điểm này, họ đang đàm phán với Estonia, Latvia và Ba Lan về việc xây dựng những biện pháp phòng thủ biên giới, mà quan trọng nhất là các hệ thống phòng không.
Ông Juozas khẳng định, việc xây dựng hệ thống phòng không chung đã được 4 nước thống nhất quyết định, hiện nay là các nước này đang đánh giá lựa chọn nguồn cung cấp. Thủ tục này sẽ được nhanh chóng hoàn tất để hệ thống có thể được đưa vào hoạt động trong vòng hai hoặc ba năm tới.