Thông thường theo cơ cấu trang bị vũ khí, các tàu chiến của hải quân thường mang theo trực thăng săn ngầm (như Ka-27/28) trong những chuyến hải trình dài. Cao cấp hơn, một số lại sử dụng trực thăng đa năng (như Z-9C của Trung Quốc, MH-60R Sea Hawk của Mỹ, hay AW159 của Anh) có cả chức chống ngầm lẫn bắn tên lửa diệt hạm.
Tuy nhiên, việc thử nghiệm trang bị trực thăng tấn công Ka-52K cho khinh hạm cỡ 4.000 tấn như Đô đốc Gorshkov là chưa từng có tiền lệ, vậy Nga đang toan tính gì khi làm điều có một không hai này? Để có câu trả lời, trước hết phải điểm qua tính năng của Ka-52K.
Tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Gorshkov của Hải quân Nga
Trực thăng tấn công Ka-52K Katran là phiên bản nâng cấp từ nguyên mẫu Ka-52 Alligator, nó được vũ trang rất mạnh với pháo 2A42 cỡ 30 mm, các loại rocket có hoặc không điều khiển, tên lửa chống tăng dẫn đường laser Vikhr, thậm chí cả tên lửa hành trình chống hạm Kh-31A hay Kh-35.
Hệ thống điện tử của Ka-52K cực kỳ tối tân, gồm thiết bị chiếu chùm tia laser, hệ thống xử lý hình ảnh Hunter dùng để dẫn hướng tên lửa; radar Arbalet do KRET sản xuất... cho phép Ka-52K giải quyết hiệu quả các nhiệm vụ ngay cả khi phải tiếp xúc khí tài gây nhiễu điện tử của đối phương.
Tốc độ tối đa của Ka-52K đạt 310 km/h, bán kính hoạt động trên 500 km, giúp nó có thể triển khai độc lập với tàu mẹ, trở thành cánh tay nối dài hiệu quả trong việc chuyển tiếp dẫn bắn, hay chủ động tung đòn tấn công tầm xa.
Trực thăng tấn công Ka-52K hạ cánh trên sàn đáp của khinh hạm Đô đốc Gorshkov
Hiện tại Hải quân Nga đang thiếu một chiếc trực thăng đa dụng như Z-9C hay MH-60R, đây là nhược điểm khiến tàu chiến của họ tương đối bị động nếu đối phương áp sát bằng xuồng cao tốc trang bị tên lửa, do radar trinh sát bề mặt gặp phải "điểm mù", khó xác định vật thể ngoài đường chân trời vô tuyến điện từ.
Sự có mặt của Ka-52K sẽ phần nào khắc phục vấn đề trên, vũ khí của nó tỏ ra đặc biệt hiệu quả khi dùng để đối phó với xuồng cao tốc, rẻ tiền cũng như có thời gian phản ứng nhanh hơn nhiều so với việc phải phóng một quả Klub kềnh càng, hay dùng pháo AK-630 tầm quá ngắn để bắn chặn.
Ngoài ra việc đưa trực thăng Ka-52K lên những chiến hạm kiểu này còn giúp duy trì hoạt động cho dây chuyền sản xuất, vì phương Tây từng nhận định rằng do không có tàu đổ bộ mang trực thăng cỡ lớn kiểu Mistral mà Nga sẽ chỉ sản xuất Ka-52K với số lượng không quá 1 phi đội.
Nếu thành công, cách làm trên của Nga còn là một gợi ý đáng để nhiều quốc gia khác, nhất là những lực lượng hải quân đang có trong biên chế nhiều vũ khí do Nga chế tạo học tập.