"Các nhà nghiên cứu của chúng tôi đã làm việc tại viện Gameleya cả chục năm… Bất kì trường đại học Mỹ hay châu Âu nào cũng chỉ có thể mơ tưởng về chuyện có những nhà nghiên cứu đó. Họ đang cố đưa các nhà khoa học của chúng tôi đi, nhưng đó là điều không thể", Alexander Gintsburg, Giám đốc viện Gameleya của Nga ngày 16/8 nói trên kênh Rossiya 1, theo TASS.
Viện Gameleya là nơi điều chế mẫu vaccine COVID-19 đầu tiên được đăng kí trên thế giới của Nga, mẫu Sputnik V. Nga khẳng định vaccine Sputnik V đã được kiểm nghiệm kĩ càng, an toàn và có hiệu quả cao. Tuy nhiên, các chính phủ và nhà khoa học phương Tây liên tục đưa ra các tuyên bố lo ngại về vaccine Nga.
Theo lời ông Gintsburg, phản ứng tiêu cực của phương Tây đối với vaccine Nga khá dễ đoán. "Tôi cho đó là phản ứng tiêu cực bộc phát của phương Tây trước sự xuất hiện của một nền sản xuất Nga mà họ không ngờ tới. Chúng tôi không quan tâm tới điều đó", nhà khoa học Nga nói.
Trước đó Gintsburg từng tiết lộ Nga đã về trước trong cuộc đua chế tạo vaccine nhờ những thành tựu trong ứng dụng công nghệ vector để sản xuất các loại vaccine phòng bệnh Ebola và MERS. Nga đã làm chủ công nghệ này từ cách đây 25 năm.
Giám đốc viện Gameleya nói rằng vaccine Spunik V của Nga có thành phần là adenovirus, một loại virus gây cảm cúm vô hại, được dùng làm "bệ phóng" đưa một đoạn cấu trúc protein tương tự cấu trúc protein của SARS-CoV-2 vào cơ thể, kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể người được tiêm.
Các nhà khoa học Nga tiêm vaccine lên cơ thể tình nguyện viên. Ảnh: RDIF
Gintsburg là một trong những người đầu tiên tiêm loại vaccine này. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết con gái ông là một trong số nhiều người đã tiêm và hiện đã có kháng thể ngừa bệnh. Hiện, có hơn 20 quốc gia đã đặt mua một tỷ liều vaccine COVID-19 từ Nga.
Dù được đăng kí chính thức, song Sputnik V của Nga vẫn chưa hoàn tất toàn bộ quá trình thử nghiệm và nó cũng chưa đi vào sản xuất hàng loạt ngay mà phải chờ đến tháng 9, trong khi việc tiêm chủng sẽ diễn ra giai đoạn đầu với các nhân viên y tế Nga, còn dân chúng sẽ tiếp cận chúng vào năm 2021.
Đại diện Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) tài trợ cho hoạt động thử nghiệm, tiết lộ, giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 với sự tham dự của hàng ngàn người được tiến hành từ ngày 12/8 ở một số quốc gia ở Trung Đông, châu Mỹ Latinh và châu Á.
Giám đốc RDIF Dmitriyev kêu gọi các chính trị gia và truyền thông phương Tây dừng những tuyên bố nhằm phá hoại niềm tin vào vaccine do Nga sản xuất.
"Hãy ngừng khai hỏa đòn chính trị vào vaccine khi mà các nước đều đang đương đầu với đại dịch COVID-19", Dmitriyev nói.