Theo hãng thông tấn Tass (Nga) ngày 20/11, Trung tướng Mikhail Matveyevsky, Chỉ huy Lực lượng tên lửa và pháo binh thuộc lực lượng vũ trang Nga cho biết, Nga sẽ chế tạo một thế hệ tên lửa mới dựa trên nền tảng hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander
“Tuy nhiên Iskander-M vẫn sẽ đáp ứng nhu cầu của chiến tranh hiện đại trong một thời gian dài, và vẫn là vũ khí cơ bản của lực lượng tên lửa và pháo binh ít nhất cho đến năm 2030. Về vũ khí tương lai, hiện nay đã có cơ sở khoa học đáng kể” Trung tướng Mikhail Matveyevsky nói.
Ông nhấn mạnh rằng, hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M là hệ thống độc nhất vô nhị, và hơn một nửa tiềm năng nâng cấp của nó vẫn chưa được khai thác. Ngoài ra, Nga hiện đang tiến hành các nghiên cứu khoa học về các khái niệm pháo hỏa tiễn tiên tiến, và công việc nâng cấp các hệ thống vũ khí hiện có cũng đang được tiến hành cùng lúc.
Quân đội Nga cũng đang nâng cấp các hệ thống pháo hỏa tiễn đa nòng Tornado-G và Tornado-S, hay còn gọi là hệ thống “lốc xoáy”.
Tên lửa Iskander-M là tên lửa bán đạn đạo chiến thuật, có thể tấn công các mục tiêu nhỏ và cố định trong phạm vi 500 km, bao gồm các trận địa tên lửa, pháo hỏa tiễn đa nòng, pháo tầm xa, máy bay tại các bãi đỗ ở sân bay, sở chỉ huy, trung tâm thông tin…
Dòng tên lửa này được Nga phát triển nhằm thay thế tên lửa đạn đạo OTR-23 Oka phải tháo dỡ theo khuôn khổ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và được biên chế cho quân đội Nga từ 2006.
Đây là tên lửa một tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh, có chiều dài 7,2 m, đường kính 0,95 m, khối lượng phóng 3,8 tấn, tầm bắn tối đa 500 km, có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân.
Mỹ và NATO hiện nay vẫn chưa đối phó được với Iskander-M. Nguồn: Sina.
Điểm nổi bật của tên lửa Iskander-M là khả năng tàng hình và đánh lừa radar đối phương, biến nó thành một trong những loại vũ khí răn đe hiếm hoi đủ sức xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới. Mỗi quả đạn có tốc độ tối đa 9.350 km/h cùng tính năng liên tục thay đổi đường bay và tung mồi bẫy, nhằm vô hiệu hóa các nỗ lực đánh chặn của đối phương.
Phiên bản Iskander-M còn được trang bị đầu dò quang - điện tử cùng liên kết dữ liệu với máy bay không người lái (UAV) hoặc cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS), cho phép tên lửa đánh trúng cả mục tiêu di động với sai số chỉ hai mét.
Về hỏa lực, Iskander-M có thể mang theo các loại đầu đạn như đạn nổ mảnh, đạn chùm, nhiệt áp, xuyên phá hầm ngầm và xung điện từ (EMP) hay đầu đạn hạt nhân. Nga bố trí trên 100 tổ hợp Iskander-M dọc đất nước và ở Kaliningrad – vùng lãnh thổ nằm giữa Litva và Ba Lan.
“Các nước NATO hiện không có và trong tương lai gần vẫn sẽ không có những phương tiện đủ sức chống Iskander. Đây là ưu thế vượt trội quan trọng của Nga.
Ngay cả hệ thống phòng không Patriot của Mỹ cũng không đủ hiệu quả đối với tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình cũng như các mục tiêu cỡ nhỏ phức tạp khác. Những hệ thống đó chỉ bắn hạ tối đa chỉ một trong số 3 tên lửa”, Trung tướng Alexandr Luzan - Cựu phó chỉ huy Lực lượng phòng không của lục quân Liên Xô, chuyên trách về vũ khí - giải thích.