Bộ Tổng tham mưu Nga cho biết, các hệ thống phòng không Syria đã bắn hạ "71 trong tổng số 103 tên lửa" do Mỹ và hai đồng minh Anh - Pháp bắn ra. Trong đó, hệ thống "hiện đại nhất" cũng đã có từ 30 năm trước, do Liên Xô cung cấp.
Thượng tướng Sergei Rudskoi, đại diện quân đội Nga còn cho biết thêm thông tin chi tiết về các mục tiêu mà liên quân Anh-Pháp tấn công. Cụ thể, cuộc không kích này đã không gây ra bất cứ thương vong nào và các cơ sở quân sự của Syria chỉ tổn thất nhỏ.
Theo tờ Guardian (Anh), mặc dù vẫn chưa thể xác minh được các tuyên bố trên nhưng trên thực tế, hệ thống hiện đại nhất mà Moscow cung cấp cho quân chính phủ Syria là tổ hợp pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S1.
Hệ thống phòng không Pantsir của Syria.
Nga cho biết các cố vấn của nước này đã dành 18 tháng qua để "tái thiết hoàn toàn" các hệ thống phòng không Syria, đồng thời nhấn mạnh rằng số lượng tên lửa đánh chặn thành công cao như vậy là nhờ "hiệu quả cao của các hệ thống vũ khí tại Syria và chương trình đào tạo xuất sắc do các chuyên gia Nga chuẩn bị cho các quân nhân Syria".
Tuy Nga cho biết các lực lượng Syria chịu trách nhiệm vận hành hệ thống phòng không của họ nhưng theo Guardian, các cố vấn Nga đã có lịch sử lâu dài vận hành các hệ thống này trong những tình huống tương tự.
Một đoạn video được chia sẻ sau vụ tấn công dường như đã cho thấy Syria khai hỏa tên lửa phòng không.
Đoạn video được cho là hệ thống phòng không Syria đáp trả vụ tấn công của liên minh Anh-Pháp-Mỹ
Pantsir - hệ thống từng được sử dụng để bắn hạ một số máy bay không người lái và tên lửa tại Syria - hiện đại hơn nhiều so với các tổ hợp phòng không khác đã lạc hậu của nước này (một số hệ thống được đưa vào biên chế Liên Xô cuối những năm 1950, 1960).
Và mặc dù cũng chưa có cách nào xác thực nhưng cách đây không lâu, Syria cũng tuyên bố đã đánh chặn thành công một số tên lửa mà Israel bắn vào căn cứ T-4. Bên cạnh đó, một máy bay chiến đấu Israel cũng đã bị bắn hạ hồi tháng Hai năm nay.
Nga cho biết Syria đã sử dụng các hệ thống phòng không S-125, S-200, Buk và Kvadrat để đẩy lùi cuộc tấn công.
Theo tướng Rudskoi, Syria đã có các hệ thống phòng thủ được Moscow "đại tu toàn diện", trong đó có hệ thống tên lửa S-200 và Buk. Quân đội Syria đã sử dụng các hệ thống phòng không Liên Xô với hiệu quả cao, bắn hạ gần như toàn bộ các tên lửa nhằm vào họ.
Các hệ thống phòng không của Nga tại Syria - như tổ hợp tên lửa tiên tiến S-400 - đã giám sát cuộc tấn công của liên minh Anh-Pháp-Mỹ nhưng không tham gia đánh chặn tên lửa.
Động thái đáp trả đáng kể nhất của Nga sau vụ tấn công này là tuyên bố cân nhắc cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Syria.
Năm 2013, sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Putin tuyên bố tạm thời không cung cấp S-300 cho chính quyền Tổng thống Assad.
Việc Nga cung cấp S-300 cho Syria có vẻ sẽ không gây ra rắc rối nào cho quân đội Mỹ, song nếu được triển khai rộng rãi, S-300 sẽ tạo ra mối đe dọa lớn hơn đối với các máy bay Israel tấn công Syria.