Tháng 4/2022, tập đoàn xe Stellantis (sở hữu nhiều thương hiệu xe chủ yếu đến từ châu Âu) đã chấm dứt hoạt động sản xuất tại nhà máy của mình ở thành phố Kaluga, Nga. Tuy nhiên, việc Stellantis dừng hoạt động không thể ngăn người Nga khởi chạy nhà máy này.
Reuters dẫn nguồn tin riêng và tổng hợp dữ liệu hải quan cho rằng đơn vị phụ trách nhà máy tại Nga đã hợp tác với một đơn vị của Trung Quốc để vận hành nhà máy và tiếp tục sản xuất xe.
Theo Reuters, dữ liệu hải quan về ngoại thương cho thấy tháng 12/2023, công ty Automotive Technologies của Nga đã nhập khẩu ít nhất 42 bộ phụ tùng để lắp ráp mẫu Citroen C5 Aircross tại nhà máy Kaluga này.
Bộ linh kiện này được sản xuất tại Trung Quốc, do tập đoàn xe Dongfeng Motor đảm nhiệm. Reuters dẫn tin từ 2 nhân viên làm việc tại các nhà phân phối xe Nga khác nhau, cho rằng Automotive Technologies đã lắp ráp Citroen C5 Aircross tại nhà máy Kaluga.
Thông tin này cho thấy rằng các doanh nghiệp phương Tây đang mất kiểm soát với các nhánh của mình tại Nga sau khi họ dừng hoạt động tại quốc gia này. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, việc phải nhập khẩu bộ phụ tùng cho thấy Nga dường như phải phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, nhất là với ngành công nghiệp xe.
Trao đổi với Reuters, tập đoàn xe Stellantis cho biết rằng họ đã đi đến kết luận từ ngày 31/12/2023 rằng họ đã "mất kiểm soát với các thực thể của mình tại Nga". Stellantis cũng cho biết họ đang chịu lỗ khoảng 144 triệu euro, gồm 87 triệu euro tiền mặt và các vật phẩm tương đương tiền mặt.
Stellantis cũng cho rằng khó khăn về tiếp vận hậu cần (logistic) và lệnh cấm vận áp lên Nga đã khiến họ phải dừng hoạt động tại Nga. Stellantis sở hữu 70% nhà máy Kaluga, 30% còn lại thuộc sở hữu của Mitsubishi. Trước khi dừng hoạt động, nhà máy Kaluga sản xuất các mẫu xe mang thương hiệu Peugeot, Citroen, Opel và Mitsubishi với công suất khoảng 125.000 chiếc mỗi năm.
CHÍNH SÁCH NHẬP KHẨU ĐẶC BIỆT
Bên trong nhà máy Kaluga, Nga. Ảnh: Stellantis
Mặc dù nhiều nhà sản xuất xe ngoài Nga đã rời bỏ thị trường này, nhưng linh kiện vẫn được nhập vào qua một chính sách nhập khẩu đặc biệt. Theo Reuters, chính sách này cho phép các đơn vị nhập khẩu phân phối sản phẩm ngoại nhập tại Nga mà không cần đơn vị sở hữu bản quyền chấp thuận.
Tương tự, dù Stellantis đã đóng cửa nhà máy Kaluga nhưng xe của Citroen vẫn tiếp tục được bán ra tại Nga. Hồi tháng 12/2023, đơn vị vận hành nhà máy Kaluga này đã tổ chức buổi lễ chính thức "sản xuất các mẫu crossover cỡ trung".
Được biết, Automotive Technologies là một công ty đăng ký tại Mát-xcơ-va vào tháng 3/2023 với 100% vốn sở hữu của một doanh nhân người Nga. Tháng 12/2023, đơn vị này cho biết đã vận hành lắp ráp thử nghiệm lô 48 xe trước khi chính thức đi vào sản xuất trong năm 2024. Tuy nhiên, đơn vị này không cho biết tên mẫu xe cụ thể; tên của nhà cung cấp cũng là một ẩn số.
Tờ Vedomosti của Nga đã trích lời Giám đốc Chiến lược Phát triển của Automotive Technologies, ông Pavel Bezruchenko, cho rằng công ty sẽ nhập khẩu xe từ Trung Quốc thông qua chính sách nhập khẩu đặc biệt nói trên.
2 nhân viên nhà phân phối tại Nga đã cho Reuters biết rằng họ sẽ Automotive Technologies đã thông báo về việc giao xe Citroen C5 Aircross được sản xuất tại nhà máy Kaluga sử dụng bộ phụ tùng nhập khẩu. Tuy nhiên, chưa rõ liệu xe đi ra từ dây chuyền sản xuất này có còn mang thương hiệu Citroen hay không.
Sehol X4 (màu xanh) và Moskvich 3 (màu trắng).
Năm 2022, Nga đã hồi sinh thương hiệu Moskvich lừng danh từ thời Xô Viết. Mẫu Moskvich 3 đang được sản xuất tại Nga thực ra là mẫu xe Sehol X4 của JAC Motors (Trung Quốc), cũng được lắp ráp bằng bộ phụ tùng nhập khẩu từ đối tác Trung Quốc.
Stellantis liên doanh với Dongfeng tại Trung Quốc, là đơn vị sản xuất xe mang các thương hiệu thuộc Stellantis và phân phối ra thị trường Trung Quốc.
Theo Reuters, các nhà sản xuất xe Trung Quốc đã lấp được khoảng trống sau khi các thương hiệu xe của phương Tây rời bỏ Nga. Doanh số xe Trung Quốc tại Nga đã từng đạt mức tăng trưởng 56% khi thị trường xe Nga bắt đầu hồi phục.