Nga kỳ vọng thương mại với 1 quốc gia ĐNÁ bùng nổ
Đài RT (Nga) dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov cho biết các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga được cho là sẽ củng cố mối quan hệ giữa Nga và Thái Lan, thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa hai nước lên đến 10 tỷ USD.
Thông tin trên vừa được Bộ trưởng Reshetnikov chia sẻ với báo giới sau ngày đầu tiên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) - tức ngày 21/5 - tại thủ đô Bangkok của Thái Lan.
Bộ trưởng Kinh tế Nga cho hay, hai nước đã thảo luận về vấn đề thúc đẩy thương mại song phương trước đó.
Theo ông Reshetnikov, trao đổi thương mại giữa Nga và Thái Lan đạt 2,8 tỷ USD trong năm 2021, và hai bên kỳ vọng rằng con số này sẽ còn tăng gấp nhiều lần trong tương lai.
"Các cơ hội mới đã xuất hiện… một trong số đó là ngành công nghiệp ô tô," ông Reshetnikov giải thích rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đang tạo ra điều kiện thuận lợi cho nhiều quốc gia, bao gồm Thái Lan. Ông nói thêm: "Thái Lan có ngành công nghiệp ô tô và linh kiện ô tô rất mạnh."
Ngoài ra, theo lời ông Reshetnikov, Nga và Thái Lan có thể thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tài nguyên năng lượng như dầu mỏ, các sản phẩm từ dầu mỏ, khí đốt và phân bón, cũng như các sản phẩm thực phẩm và kỹ thuật.
Nga và Thái Lan đã thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 125 năm. Bộ trưởng Reshetnikov đánh giá Thái Lan "không chỉ có một lịch sử tuyệt vời mà còn có nhiều cơ hội lớn để phát triển, và tôi chắc chắn rằng họ có một tương lai tươi sáng."
Ảnh minh họa
Nga phản hồi trước những lời kêu gọi rút khỏi WTO
Cũng theo Bộ trưởng Reshetnikov, Nga cần giữ vị trí của nước này trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bình luận trên được đưa ra nhằm đáp trả một dự luật nhằm yêu cầu Moskva rời khỏi WTO.
"Nhằm tước bỏ quyền lợi của Nga khi trở thành thành viên WTO, một nhóm các nước trừng phạt đang cố gắng hạn chế quyền tham gia của Nga vào các hoạt động của tổ chức này, coi đây là công cụ cô lập nền kinh tế Nga. Chúng tôi cực lực phản đối những động thái như vậy", đài RBC (Nga) dẫn lời ông Reshetnikov.
Theo nội dung lời phản hồi chính thức của Bộ trưởng Reshetnikov, ông đã lập luận rằng WTO là một công cụ có giá trị đối với việc hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Nga, và việc Nga rời WTO có thể sẽ gây ra những rủi ro cho cả doanh nghiệp và người dân Nga, đặc biệt là do nhu cầu chuyển hướng dòng chảy thương mại sang thị trường các nước thân thiện hoặc trung lập.
Ông Reshetnikov cho biết các quy định của WTO cung cấp cơ sở pháp lý cho các mối quan hệ trong tổ chức, do đó ác quan hệ thương mại bình thường sẽ không thể phát triển nếu Nga rời khỏi WTO.
Tiếp đến, ông Reshetnikov cho rằng việc rời khỏi WTO sẽ khiến Nga bị giảm các quyền lợi mà không hề giảm nghĩa vụ. Luật của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) hoàn toàn dựa trên luật của WTO, có nghĩa là sau khi rời WTO, Nga sẽ chịu ràng buộc bởi những nghĩa vụ thuế quan thấp hơn theo các quy tắc của EAEU, gây ra những thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Nga.
Hơn nữa, Bộ trưởng Reshetnikov nói rằng khi rời khỏi WTO, Nga sẽ không còn tiếng nói trong quá trình tạo ra các quy tắc mới cho thương mại toàn cầu - điều vốn là đặc quyền của WTO.
Cuối cùng, ông Reshetnikov chỉ ra rằng các quy tắc của WTO không hạn chế về mặt pháp lý đối với Nga trong việc thực hiện các biện pháp để bảo vệ nền kinh tế của mình. Nga đã đưa ra một số biện pháp đáp trả để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, chẳng hạn như kế hoạch thanh toán khí đốt mới và đình chỉ một phần lượng ngũ cốc xuất khẩu.
Được biết, phát biểu tại APEC hôm 21/5, ông Reshetnikov đã cảnh báo các nước phương Tây không nên tung thêm đòn trừng phạt Nga.
"Lệnh cấm buôn bán một số nhóm hàng hóa và hạn chế giao dịch tài chính, đóng cửa các cảng và đe dọa bắt giữ hàng loạt tàu bè, đình chỉ liên lạc trên không và trên bộ - tất cả những điều này đều nhắm tới mục đích phá hoại nền kinh tế Nga. Nhưng thực tế là chúng gây bất ổn cho toàn bộ nền kinh tế thế giới", ông Reshetnikov nói.
Ảnh minh họa
Bộ trưởng Giao thông Nga nói về các lệnh trừng phạt
Đài CNN (Mỹ) dẫn nguồn hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin, hôm 21/5, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nga Vitaly Savelyev đã thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã "phá vỡ tất cả" hành lang hậu cần mà nước này sử dụng cho thương mại, buộc Moskva phải đi tìm kiếm những hành lang hậu cần mới.
Ông Savelyev cho biết Moskva đang tìm cách tận dụng các tuyến thương mại thay thế như hành lang Vận tải Bắc-Nam Quốc tế (INSTC) - tuyến đường trung chuyển nối Ấn Độ với các nước Trung Á, Nga và châu Âu thông qua Iran.
"Sếp cũ" của Lukoil cảnh báo EU về dầu thô của Nga
Cụ thể, ông Vagit Alekperov, người đứng đầu công ty dầu khí tư nhân lớn nhất của Nga Lukoil, đã nói rằng việc phương Tây siết chặt các biện pháp trừng phạt hiện có sẽ có tác động tai hại đối với châu Âu cũng như Moskva.
Theo đó, ông Alekperov đã nói rằng dầu thô của Nga là "không thể thay thế", và lệnh cấm vận của châu Âu đối với loại năng lượng này sẽ là kịch bản tiêu cực nhất đối với tất cả các bên.
Financial Times dẫn lời ông Alekperov: "Bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt, các quốc gia phương Tây đã phát đi một tín hiệu rõ ràng và tuyên bố lập trường của họ. Không cần phải siết chặt hơn nữa", vị tỷ phú này tuyên bố với truyền thông, đồng thời nói thêm rằng việc EU cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga sẽ là "một cú sốc đối với tất cả mọi người..."
Tháng trước, ông Alekperov - người được cho là giàu thứ 10 của Nga đã từ chức giám đốc điều hành của nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của Nga Lukoil, một vị trí mà ông đã nắm giữ trong gần 3 thập kỷ. Quyết định được đưa ra sau khi ông Alekperov bị các đòn trừng phạt của Anh và Australia nhắm tới.
Vị doanh nhân này nhận định: "Không thể thay thế một nhà xuất khẩu năng lượng lớn như Nga, ngay cả trong trung hạn."
Các nước thành viên EU đã thảo luận về đề xuất cấm nhập khẩu dầu của Nga trong nhiều tuần, nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận do một nhóm các quốc gia do Hungary dẫn đầu phản đối mạnh mẽ biện pháp này.
Ảnh minh họa
Về vấn đề khí đốt của châu Âu
Theo báo Le Monde (Pháp), một số quốc gia EU đang thúc đẩy việc loại bỏ nguồn cung năng lượng Nga kể từ sau cuộc xung đột ở Đông Âu.
Tuy nhiên, tờ báo của Pháp cho biết EU đang đối mặt với khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế, đặc biệt là khí đốt.
Bài báo giải thích rằng trong nỗ lực ngừng mua năng lượng Nga, các nước châu Âu đã phải đối mặt với trở ngại về trật tự thiết lập trong lĩnh vực dầu khí - thứ không thể thay đổi nhanh chóng.
Ngoài Nga, các quốc gia EU còn mua dầu và khí đốt từ các nguồn khác như Na Uy, Hà Lan, Algeria... Mặc dù họ cũng là lựa chọn dự trữ tốt để mua khí đốt, nhưng sản lượng hạn chế của các đối tác này khiến EU khó mà bù lại nguồn cung thiếu hụt từ Nga trong những năm tới, theo Le Monde.
Algeria phải vật lộn để đạt được mục tiêu về sản lượng phù hợp với các hạn chế của OPEC +, Le Monde lưu ý.
Trong khi đó, Libya hiện vẫn đang bị chia rẽ giữa các phe phái khiến việc sản xuất dầu khí liên tục bị gián đoạn và không có giải pháp chính trị nào cho cuộc xung đột, theo Le Monde.
Ngoài ra, Algeria và Ai Cập đều có khả năng dự trữ năng lượng để vận chuyển tới EU trong tương lai gần, nhưng rất có thể họ sẽ không làm điều này do không muốn làm ảnh hưởng đến quan hệ vói Nga.
Le Monde cho hay, trong khi Algeria cần mua vũ khí từ Nga trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với Morocco, thì Cairo đang lo lắng về vấn đề an ninh lương thực và cụ thể là nguồn cung lúa mì từ Nga, một trong những nhà cung cấp lúa mì lớn nhất trên thị trường.
Tờ báo của Pháp tin rằng chiến lược khả thi duy nhất của EU sẽ là hợp tác chặt chẽ giữa các nước châu Âu hoặc quản lý tập trung các nguồn năng lượng. Tuy nhiên, điều đó sẽ đi ngược lại chính sách dài hạn của Brussels về tự do hóa thị trường năng lượng ở châu Âu.
Le Monde cũng dự đoán rằng Mỹ có thể nhân tình hình này để có thêm lợi cho họ, và cố gắng thế chân Nga trên thị trường năng lượng châu Âu. Tuy nhiên, một một số quốc gia EU sẽ phải chi ra khoản tiền lớn để xây dựng các thiết bị đầu cuối cho khí đốt.