Trong số những chiến lợi phẩm được Quân đội Nga thu giữ từ các lực lượng ly khai và khủng bố hoạt động trên lãnh thổ Syria thì thu hút sự chú ý nhiều nhất chính là các loại vũ khí chống tăng hiện đại.
Quan sát bức ảnh trên, có thể dễ dàng nhận ra ống phóng tên lửa chống tăng TOW 2, loại ATGM này chính là tác giả đã "nướng chín" phần lớn xe tăng T-72 của Quân đội chính phủ Syria, khiến Nga phải cấp tốc mở kho dự trữ cung cấp T-62M để thay thế.
Nhưng bên cạnh 3 ống phóng TOW 2 ở góc trái bức ảnh thì 2 khẩu súng phóng tên lửa "lạ" có hình dáng khá giống Javelin mới thực sự đáng quan tâm, nhất là khi bảng chú thích bên cạnh lại minh họa bằng chính tên lửa FGM-148 Javelin.
Tên lửa chống tăng thế hệ 3 FGM-148 Javelin của Mỹ
FGM-148 Javelin là tên lửa chống tăng thế hệ 3 do Mỹ sản xuất, nó có tính năng kỹ chiến thuật vượt trội mọi loại ATGM mang vác của Nga hiện nay.
Tên lửa được dẫn hướng hoàn toàn tự động thông qua đầu dò hồng ngoại, có khả năng thực hiện cú đánh theo kiểu "đột nóc" nhằm thẳng vào vị trí bọc giáp mỏng nhất trên xe tăng, thiết giáp. Ngoài ra cơ chế dẫn đường của nó miễn nhiễm hoàn toàn với đèn nhiễu OTShU-1-7 thuộc hệ thống phòng vệ mềm Shtora-1.
Moskva từng nhiều lần bày tỏ quan ngại khi Mỹ cung cấp tên lửa Javelin cho Quân đội Ukraine, khiến họ có thể chiếm ưu thế lớn trên chiến trường miền Đông. Trong tình cảnh này, nếu bắt được một tên lửa Javelin hoàn chỉnh thì sẽ là cơ hội vàng để Nga nghiên cứu nhằm tìm biện pháp đối phó cũng như chế tạo một bản sao có tính năng tương đương.
Súng chống tăng APILAS được lực lượng nổi dậy sử dụng trên chiến trường Syria
Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng Mỹ cùng các đồng minh của họ chưa từng cung cấp tên lửa chống tăng Javelin cho các phe nhóm vũ trang tại Syria, cho nên lực lượng này không thể nắm giữ vũ khí lợi hại như vậy.
Căn cứ vào phần tay cầm đặc trưng của khẩu súng chống tăng chiến lợi phẩm, nó đã được nhận diện là loại APILAS do Pháp sản xuất, đây chẳng phải tên lửa mà chỉ là rocket không điều khiển với ống phóng sử dụng một lần.
Súng và đạn rocket chống tăng APILAS do Tập đoàn GIAT của Pháp sản xuất
Súng chống tăng dùng một lần APILAS được đưa vào sử dụng trong Quân đội Pháp từ năm 1984, đã có khoảng 12.000 khẩu được chế tạo và phục vụ trong nhiều lực lượng vũ trang trên thế giới.
Toàn bộ tổ hợp APILAS có trọng lượng 9 kg, trong đó phần ống phóng làm từ vật liệu sợi Aramid với chiều dài tổng thể 1.290 mm, đường kính 112 mm, nặng 4,7 kg.
Viên đạn xuyên lõm nặng 4,3 kg của APILAS chứa 1,5 kg thuốc nổ, cho khả năng xuyên 720 mm thép đồng nhất hoặc 2 m bê tông, sơ tốc đầu nòng 293 m/s, tầm bắn hiệu quả trong khoảng 25 m đến 300 m khi chống lại mục tiêu di động, hoặc 500 m khi bắn mục tiêu tĩnh.
Nhìn chung thì tổ hợp APILAS không phải thứ vũ khí quá hiện đại, nhất là khi so sánh với các loại súng phóng rocket chống tăng dùng một lần của Nga hiện nay.
Súng chống tăng sử dụng một lần APILAS của Pháp