Nga "thổi lửa vào gáy" Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib: Khôn ngoan làm "thợ săn", yếu đuối thành "con mồi"?

Mạnh Kiên |

Nắm trong tay các nhóm vũ trang hiếu chiến, bất tuân ở Idlib cũng giống như con dao hai lưỡi, Thổ Nhĩ Kỳ không còn nhiều thời gian khi Nga đang hối thúc sau lưng.

Nổi lửa ở M4

Rất lâu trước khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự ở Syria hồi tháng 2 và ngay cả trước khi chính quyền Damascus tấn công chiếm lại Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã ký một thỏa thuận bị lãng quên vào tháng 9/2018.

Trong thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ có trách nhiệm loại bỏ bất kỳ nhóm cực đoan hay khủng bố nào ở Idlib để mở đường cho chính quyền Syria tiến vào chiếm lại tỉnh này một cách ôn hòa, tránh một cuộc chiến toàn diện. Trên thực tế, đây cũng là đề nghị được quy định trong cuộc họp tiến trình hòa bình Astana năm trước.

Trách nhiệm của Ankara đã không thể hoàn thành với việc Tổng thống Bashar Al-Assad mở cuộc tấn công quân sự chiếm Idlib vào tháng 4 năm ngoái. Nhưng giờ đây, khi tình hình bình lặng trở lại với lệnh ngừng bắn mới - cũng như kết cục ở Idlib đã cận kề - đây có thể là thời điểm để Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện đúng cam kết của mình với Nga.

Tuần trước, đặc phái viên Mỹ tại Syria đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đàn áp các phần tử cực đoan tại thành trì cuối cùng của phe đối lập. Tuyên bố được đưa ra ngay sau lời khen ngợi của Bộ Ngoại giao Nga vì những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm kiềm chế hành động của các nhóm khủng bố.

Giới quan sát tin rằng, một hành động như vậy sẽ mang lại lợi ích riêng cho Ankara, chứ không chỉ cho Mỹ và Nga. Thực tế là một số nhóm đối lập có ảnh hưởng lớn ở Idlib đang trở thành gánh nặng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tháng qua, Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) – nhóm khủng bố thống trị Idlib đã ngầm ủng hộ các hoạt động phá hoại trên đường cao tốc M4 chiến lược.

Mặc dù chỉ phản đối sự hiện diện quân sự của Nga chứ không phải Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nhóm này cũng phản đối thỏa thuận ngừng bắn hôm 5/3, với các điều khoản thiết lập các cuộc tuần tra quân sự chung giữa hai nước ở M4.

Sự quấy phá này gây sự khó chịu đến mức Thổ Nhĩ Kỳ phải đưa lực lượng đến dẹp bỏ. Cuộc khủng hoảng này đi đến hồi kết khi các cuộc đụng độ nổ ra trên M4 cuối tuần trước khiến cho cả HTS lẫn phía Thổ Nhĩ Kỳ thương vong.

Diễn biến mới không chỉ phá vỡ không khí hòa bình miễn cưỡng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và HTS, mà còn làm gia tăng căng thẳng đáng kể giữa các nhóm dân quân ở Idlib và các nhóm được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, tạo tiền đề cho các cuộc đụng độ lớn hơn nữa.

Những ngày sau đó, HTS đã công khai thể hiện sự không hài lòng của mình bằng cách ngăn cản lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đi vào một thành phố ở tỉnh Aleppo. Trong khi Ankara cũng không thể làm gì để ép buộc nhóm này đáp ứng yêu cầu.

Cần phải nhớ rằng, mối quan hệ giữa các phe nhóm ở Syria rất phức tạp. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ một số nhóm phiến quân đối lập để tạo thành một vùng đệm chống lại quân đội Syria.

Tuy nhiên, có một số nhóm như HTS, với tính chất cực đoan hơn, không liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như không chịu nghe lệnh, mà chỉ cho phép Ankara thiết lập các trạm quan sát trong lãnh thổ mà nhóm này kiểm soát.

Tiến thoái lưỡng nan

Nga thổi lửa vào gáy Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib: Khôn ngoan làm thợ săn, yếu đuối thành con mồi? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành mục tiêu của các nhóm vũ trang ở Idlib một khi cư xử không cẩn thận.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đang đối mặt với một kịch bản tiến thoái lưỡng nan trong việc tiếp cận với HTS và các nhóm vũ trang khác.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đàn áp những phần tử cực đoan này giống như ở Afrin và miền Bắc Syria giống như chống lại dân quân người Kurd, sẽ có một cuộc tắm máu giữa các đồng minh chiến lược trước đây của Ankara. Tận dụng điều nay, chính quyền Assad sẽ có được cơ hội hoàn hảo để khởi động lại cuộc tấn công ở thành trì Idlib vốn đã rệu rã.

Tuy nhiên, Ankara rất coi trọng sự hiện diện của các trạm quan sát và thiết lập quân đội trong khu vực, do đó khó có thể đưa ra lựa chọn quyết chiến như vậy. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và HTS đều hiểu điều này và đã thực hiện các bước đi hàn gắn mối quan hệ bằng cách tổ chức các cuộc đàm phán trong những ngày gần đây.

Nhưng rủi ro vẫn chưa dừng lại ở đó. Thổ Nhĩ Kỳ có thể thành công với HTS nhưng chưa chắc thuyết phục được các nhóm hiếu chiến hơn, mặc dù lực lượng nhỏ bé hơn như Ansar Al-Din, Ansar Al-Tawhid và Hurras Al-Din, vốn đã từ chối công khai tất cả các thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Đôi khi các nhóm này còn coi Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ thù chiếm đóng cùng với Nga.

Thái độ thù địch của một loạt các thế lực trong khu vực đã mang đến những mối đe dọa mới mà Thổ Nhĩ Kỳ phải đối phó trong tương lai gần. Cùng với áp lực ngày càng tăng từ Mỹ và Nga , điều này đồng nghĩa với việc Ankara không còn đủ khả năng sử dụng lực lượng ở Idlib để tạo lợi thế chiến lược.

Với những điều kiện đã không còn tốt như trước, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải lựa chọn tàn nhẫn bằng cách tự tay kết liễu "đối tác" hoặc chấp nhận một ngày nào đó chính mình trở thành con mồi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại