"Hổ không nanh"
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng nói Pháp và Mỹ đang cảm thấy "niềm kiêu hãnh bị tổn thương" khi chứng kiến vai trò của Moscow trong thỏa thuận ngừng bắn gần đây giữa Armenia và Azerbaijan ở điểm xung đột Nagorno-Karabakh.
Việc Paris yêu cầu Moscow làm rõ "sự mơ hồ" liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn và vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong thỏa thuận này cho thấy sự không hài lòng của Pháp khi bị coi là quốc gia ngoài rìa cuộc chơi.
Trong cuộc khủng hoảng mới, tờ Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ đã ví Pháp là một "con hổ không nanh", không có vai trò quyết định trong khu vực. Nước này chỉ có một phạm vi ngoại giao cực kỳ hạn chế trong việc gây áp lực. Cùng với đó, cả Liên minh châu Âu và Paris đều không thể ngăn chặn cuộc giao tranh giữa người Armenia và người Azerbaijan.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, với cương vị là đồng chủ tịch nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE), đã cố gắng đi đầu trong cuộc khủng hoảng Nagorno-Karabakh để khẳng định mình là một nhà lãnh đạo thực sự của toàn bộ Châu Âu.
Không thể phủ nhận rằng thỏa thuận ba bên giữa Armenia, Azerbaijan và Nga tại Nagorno-Karabakh là một cú sốc đối với phương Tây nói chung, đặc biệt là Paris. Ai cũng tin rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối đầu ở Nam Caucasus, nhưng thay vào đó, điều ngược lại đã xảy ra.
Lính gìn giữ hòa bình Nga ở Nagorno-Karabakh.
Trong thời gian qua, Moscow và Ankara đã ngăn cản sự tham gia của các thế lực phương Tây bên ngoài khu vực. Các tuyên bố căng thẳng liên tiếp giữa Nga và Mỹ, leo thang bằng lời nói cũng diễn ra giữa ông Macron và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan trên nhiều khía cạnh.
Cuộc chiến Nagorno-Karabakh lần thứ hai cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác và phối hợp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tương tự như công chúng đã thấy ở Syria và Libya.
Trong khi đó, dù là đồng minh nhưng quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc xung đột Nam Caucasus khác rất nhiều so với quan điểm của Washington và Paris, những bên kêu gọi đóng băng cuộc xung đột mà không muốn giải quyết triệt để.
Ankara tuyên bố lập trường hoàn toàn đứng về phía "người anh em" Azerbaijan, không giống như các bên còn lại tuyên bố trung lập nhưng lại ủng hộ bên này hoặc bên kia từ sau bức màn.
Vì sao Mỹ, Pháp không ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ?
Quan điểm của Mỹ nghiêng về Armenia phần lớn xuất phát từ mục tiêu gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ, mà không liên quan đến vấn đề quan hệ Armenia-Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các tranh cãi của Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông, vốn đã trở nên trầm trọng hơn sau cuộc chiến Syria năm 2013, khi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama ủng hộ người Kurd.
Thổ và Pháp có sự đối đầu lập trường trong xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.
Động thái ủng hộ người Kurd của Washington được mô tả là đe dọa lợi ích của một quốc gia thành viên NATO. Sau đó, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ càng thêm căng thẳng do không đi đến thỏa thuận dẫn độ giáo sĩ Fetullah Gülen, người bị cáo buộc là chủ mưu âm mưu đảo chính ngày năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, hợp tác của Armenia với Nga và Iran được coi là một thách thức nghiêm trọng đối với vị thế của Mỹ ở Caucasus.
Cũng khó có thể coi động thái ngoại giao của Pháp đối với xung đột Caucasus chỉ là sản phẩm vận động hành lang của người Armenia ở Pháp, đặc biệt là khi ông Macron thể hiện sự phản đối Ankara và đứng về phía Hy Lạp ở Địa Trung Hải.
Về phần mình, Nga đã quản lý để ngăn chặn cuộc chiến Karabakh lần thứ hai sau khi làm trung gian ký kết một thỏa thuận được coi là lịch sử giữa Armenia và Azerbaijan, có sự phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hành động nhanh chóng của Tổng thống Putin và vai trò trực tiếp của ông trong việc tổ chức các cuộc đàm phán giữa người Armenia và Azerbaijan là rất quan trọng và sự hòa giải đã dẫn đến việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giám sát lệnh ngừng bắn.
Tổng thống Macron đã thảo luận với người đồng cấp Putin trong một cuộc điện đàm vào ngày 7/11 về tình hình giao tranh giữa Baku và Yerevan, và họ đã đạt được cam kết chung để tiếp tục các nỗ lực hòa giải và phối hợp giữa Nga và Pháp. Tuy nhiên, ông Macron được cho là đã bị sốc khi biết chỉ ba ngày sau cuộc điện đàm với ông Putin, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã có mặt ở Nagorno-Karabakh.
Nhà lãnh đạo Pháp phải chịu cú sốc thứ hai trong một cuộc điện đàm khác với ông Putin sáu ngày sau thỏa thuận ngừng bắn, khi Điện Kremlin tuyên bố rằng cuộc điện đàm diễn ra chỉ vì "Nga và Pháp là đồng chủ tịch của Nhóm Minsk".
Với tình hình nội bộ khó khăn, người ta nói rằng nước Pháp ngày nay đang ở giữa thất bại cả bên trong và bên ngoài.