Suy giảm đòn bẩy
Tổng thống Hassan Rouhani có thể cảm thấy hụt hẫng khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp nhau tại Sochi để thực hiện thỏa thuận cho vùng đệm ở phía đông bắc Syria. Điều đáng buồn ở đây là Iran không được mời tham gia, theo Bloomberg.
Chỉ một vài năm trước, Tổng thống Iran luôn là nhân vật có mặt trong các cuộc đàm phán và ký kết thỏa thuận cùng hai đối tác Nga-Thổ. Iran tham gia vào mọi cuộc thảo luận quan trọng về Syria - dù trực tiếp hay với tư cách người quan sát.
Với việc hai nhà lãnh đạo Putin và Erdogan không đề nghị sự hiện diện của ông Rouhani ở cuộc họp Sochi lần này, đây được coi là dấu hiệu cho thấy đòn bẩy suy yếu của Iran ở Syria – quốc gia mà họ đã tiêu tốn vật lực, tiền bạc trong nhiều năm.
Sự suy giảm đó xuất phát từ một vài nguyên nhân. Đầu tiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã làm suy yếu vị thế của Iran ở Syria. Với nền kinh tế rơi tự do, đã có nhiều quan điểm phản đối các cuộc phiêu lưu nước ngoài đắt đỏ của Iran.
Bên cạnh đó, Tehran được cho là không phù hợp với các nguồn lực mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể triển khai trong việc theo đuổi lợi ích của họ ở Syria.
Lý do thứ ba là việc tham vọng mở rộng ảnh hưởng khu vực của Iran đã buộc nước này phải phân tán nguồn lực, từ Yemen và Vịnh Ba Tư sang Iraq, Syria và Lebanon.
Theo Bloomberg, một nguyên nhân khác thực tế hơn giải thích cho việc giảm đòn bẩy của Iran có thể là làn sóng bạo loạn ở các khu vực lân cận Syria, khiến các lực lượng của Tehran, Hezbollah và dân quân Shiite của Iraq có phần mất tập trung.
Trong hoàn cảnh này, Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan dường như nghĩ rằng họ có đủ khả năng giải quyết vấn đề mà không cần đến Iran hỗ trợ.
Tất nhiên, Iran chưa bao giờ muốn chấm dứt mối quan hệ thân mật với cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những năm gần đây, cả ba đã liên kết thành mặt trận đối đầu với Mỹ.
Ở Syria, lợi ích của họ đôi khi trùng khớp. Iran và Nga hậu thuẫn cho Tổng thống Bashar al-Assad; trong khi cả ba đều phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất Syria.
Dẫu vậy, cả ba cũng có sự cạnh tranh ở Damascus, khi mỗi bên coi Syria là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của chính mình. Trong đó Iran có mối liên hệ lâu đời và sâu sắc hơn ở Syria so với Nga. Ở phía ngược lại, Tehran không hài lòng với mục tiêu lật đổ Damascus của Thổ Nhĩ Kỳ.
Iran muốn là một phần cuộc chơi
Tổng thống Assad cũng không hài lòng với sự phân chia lãnh thổ của Nga-Thổ?
Trong diễn biến mới nhất, Iran dường như đã cố tình thể hiện sự bất mãn của mình trước cuộc tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria. Nước này đã tiến hành một cuộc tập trận quân sự không báo trước dọc theo biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây được coi là một lời nhắc nhở công khai với Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin rằng: Ankara và Moscow không phải là những người chơi duy nhất ở khu vực.
Nhưng theo giới quan sát, không có dấu hiệu nào cho thấy Iran sẽ có những bước tiến mới để mở rộng dấu chân ảnh hưởng ở Syria sau thỏa thuận Nga-Thổ.
Thay vào đó, người Iran chỉ có thể theo dõi một cách cẩn trọng khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng sự rút quân của Mỹ ở Syria để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của chính họ.
Bởi ở khía cạnh khác, thỏa thuận mới đây giữa hai nhà lãnh đạo Putin-Erdogan sẽ cho Iran cơ hội tăng cường kết nối với chính quyền Tổng thống Assad.
Viễn cảnh Moscow và Ankara tự phân chia một mảnh đất ở Syria không có khả năng làm hài lòng nhà lãnh đạo ở Damascus. Trước thềm cuộc họp ở Sochi, ông đã lên tiếng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm lãnh thổ.
Phản ứng trước cuộc tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Damascus đã có thỏa thuận với người Kurd, sẵn sàng đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, nếu trông đợi vào Iran sẽ bước vào giải quyết tình hình, Tổng thống Assad sẽ thất vọng. Iran có những mối quan tâm khác ở Syria và về cơ bản là không có lý do gì để đối kháng với người Thổ Nhĩ Kỳ và người Nga .
Theo Bloomberg, dựa vào những gì đã xảy ra trong vài năm qua, tình hình ở Syria có thể sẽ thay đổi bất cứ lúc nào. Tham vọng của Tổng thống Erdogan có khả năng không được thực hiện vì nhiều lý do, từ sự kháng cự của người Kurd cho đến một quyết định bước ngoặt nào đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nếu các cuộc bạo loạn ở Lebanon và Iraq kết thúc, các lực lượng Iran một lần nữa tìm cách chuyển sự quan tâm sang Syria, khôi phục một số đòn bẩy bị mất của Tehran.
Lúc đó, Tổng thống Rouhani sẽ được an ủi phần nào đó với hy vọng rằng ông sẽ là nhân vật chủ chốt trong vòng thỏa thuận tiếp theo. Còn hiện tại ông chỉ là một khán giả chứ không phải một người chơi.