Nga đang bị ghét?
Hiện có nhiều ý kiến đánh giá kể từ khi can dự vào cuộc chiến Syria tháng 9/2015, Nga đã chấm dứt vị thế siêu cường duy nhất ở Trung Đông của Mỹ. Đỉnh điểm trong thành công của Nga là việc cùng với quân đội Syria giải phóng thành phố Aleppo khỏi lực lượng nổi dậy và khủng bố.
Thành công này đã biến Nga thành nhà môi giới quyền lực không thể thiếu tại khu vực. Đồng thời, tại châu Âu, làn sóng di cư bắt nguồn từ cuộc chiến Syria càng củng cố ảnh hưởng của Moscow, tiếp thêm sức mạnh cho những đảng dân túy thân với Tổng thống Vladimir Putin.
Nga đang thể hiện quyết tâm và sức mạnh quân sự tại Syria
Tuy nhiên, vụ ám sát Đại sứ Nga Andrey Karlov tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 19/12 đã phơi bày mặt trái của việc Nga nổi lên một cách quá nhanh chóng ở Trung Đông.
Trong lúc ảnh hưởng của Mỹ bị sụt giảm, Nga đã chiếm vị trí của Mỹ lâu nay ở Trung Đông, nhưng đó là vị trí của một cường quốc đáng ghét bị xem là đang khuấy động cuộc chiến chống lại đạo Hồi và người Hồi giáo.
Các cuộc biểu tình bên ngoài các cơ sở ngoại giao của Nga trong khu vực, từ Istanbul, Beirut đến Kuwait đã xuất hiện các khẩu hiệu chống Nga. Tất nhiên, không loại trừ bàn tay của một kẻ thứ ba đứng sau kích động và tổ chức các cuộc biểu tình này. Nhưng nó cũng phản ánh phần nào hình ảnh của nước Nga trong mắt người dân khu vực.
Chuyên gia Hassan Hassan, thành viên Viện Chính sách Trung Đông Tahrir tại Washington cho rằng Nga chắc chắn đang bị coi là “ngáo ộp” mới tại khu vực.
Cách thức người ta phản ứng trước sự can dự của Nga ở Aleppo, một trong những thành phố thiêng liêng nhất của người Sunni tại Trung Đông, gợi nhớ lại hình ảnh của nước Mỹ trong mắt người Trung Đông sau khi nước này xâm chiếm Iraq.
Nước Nga đã "chính thức" trở thành mục tiêu của phong trào thánh chiến toàn cầu vào tháng 10/2015, sau khi Nga triển khai lực lượng và máy bay chiến đấu tới Syria. Một máy bay chở khách của Nga đã bị rơi trên vùng trời bán đảo Sinai, và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm gây ra vụ này.
Chấp nhận rủi ro
Nhưng ngay khi bị đe dọa gia tăng, Nga càng can dự nhiều hơn với Trung Đông thông qua “cửa ngõ” Syria. Chính sức mạnh và sự quyết tâm của Nga đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những lực lượng muốn lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhất, phải thay đổi quan điểm.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giờ đây đang trông chờ sự cảm thông của Nga và Iran xung quanh vấn đề tương lai của Syria, muốn Nga làm ngơ để tiến hành chiến dịch quân sự chống IS và dân quân người Kurd ở Syria.
Nhưng cái khó của Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở chỗ, ngay từ khi cuộc chiến nổ ra tại Syria năm 2011, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã định hướng thông tin theo hướng chính quyền Assad là thủ phạm chính gây ra thảm kịch tại quốc gia này. Do đó, khi nước này thay đổi cách tiếp cận đối với Syria, điều này chắc chắn gây bất mãn đối với cử tri.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như những nước khác tại khu vực, dư luận thù địch đồng nghĩa với việc các đại diện và phái đoàn của Nga sẽ phải thực thi chính những biện pháp hạn chế an ninh từng cản trở công việc của các nhà ngoại giao Mỹ trong suốt hàng thập niên.
Nhưng thực tế cho thấy, các cuộc biểu tình và các vụ tấn công nhân viên ngoại giao suốt nhiều thập niên qua đã không khiến Mỹ rút khỏi Trung Đông. Moscow có lẽ cũng không vì cái chết của ông Karlov mà lùi bước.
Nikolay Kozhanov, cựu nhân viên ngoại giao Nga tại Iran và hiện là giáo sư của trường Đại học châu Âu ở St. Petersburg nói:
"Những gì diễn ra minh chứng cho vai trò gia tăng của Nga, sự can dự của họ vào những khu vực nhạy cảm, đồng thời đồng nghĩa với việc Nga sẽ phải chấp nhận những rủi ro lớn hơn. Song đây sẽ không trở thành một điểm bước ngoặt hay dẫn đến sự thay đổi chính sách".
Giới phân tích cho rằng, dẫu cho điều gì xảy ra thì các nhà lãnh đạo khu vực đang nhận thức rõ rằng Moscow tới Trung Đông là để ở lại. Tổng thư ký Liên đoàn Arập Ahmed Aboul-Gheit thậm chí còn nói rằng Nga muốn đảm bảo rằng không có bất kỳ điều gì tại khu vực diễn ra mà không có sự chấp thuận của mình và người Nga đang thành công.