Nga tham chiến ở Syria: Chiến thắng vinh quang nhưng thất bại cũng sẽ rất khủng khiếp?

Anh Tú |

Dù Nga đã gặt hái được những "phần thưởng" ngoại giao và quân sự to lớn qua việc can dự vào cuộc chiến ở Syria nhưng Moscow vẫn sẽ phải đối mặt với không ít thách thức phía trước.

Nga thắng lợi vang dội trên tất cả các mặt trận

Hơn 4 năm can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria, Nga đã gặt hái được những "phần thưởng" ngoại giao, thương mại và quân sự xứng đáng cho các hoạt động của mình ở Trung Đông.

Syria không những là nơi Moscow đạt được ý đồ chia rẽ sự đoàn kết trong khối NATO mà còn là chiến địa để nước này thử nghiệm các vũ khí mới cũng như giành được một số thành công nhất định về cả mặt chiến lược và chiến thuật.

Một trong những thành tựu đáng chú ý nhất của Nga ở Syria là những lợi ích vượt trội mà họ có được với chi phí tương đối thấp.

Triển khai tới đây một lực lượng khoảng 5.000 nhân viên, hầu hết đóng vai trò hỗ trợ trên không, cố vấn và thực hiện các hoạt động đặc biệt, Moscow đã giúp ổn định chính phủ Syria, khôi phục sự thống trị của Damascus trên chiến trường chống lại phiến quân nổi dậy.

Đổi lại, điều này đã bảo đảm an toàn cho các căn cứ không quân và hải quân của Nga ở Syria, cho phép Moscow tiếp cận nhiều lợi ích thương mại tại đây, chứng tỏ cho thế giới thấy sức mạnh quân sự của mình và mở đường để họ thiết lập một vai trò ngoại giao lớn hơn trong khu vực.

Trên lĩnh vực ngoại giao, Nga đã mở rộng quan hệ đối tác với Iran, xoay chuyển mối quan hệ căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ thành mối quan hệ đối tác đầy triển vọng và trở thành một "tay chơi" quan trọng trong khu vực mà Israel, Jordan, và ở mức độ thấp hơn là Iraq và Ả Rập Xê Út khó có thể bỏ qua.

Tiếp đến, Nga đã buộc Mỹ phải tham gia vào các cuộc đàm phán về các vấn đề khu vực, bao gồm cả các các cuộc thương thuyết loại bỏ vũ khí hóa học ở Syria ngay tại thời điểm Washington cùng các cường quốc phương Tây khác đang thắt chặt trừng phạt Kremlin sau vụ việc sáp nhập Crimea cũng như những động thái của Moscow liên quan tới châu Âu.

Nga tham chiến ở Syria: Chiến thắng vinh quang nhưng thất bại cũng sẽ rất khủng khiếp? - Ảnh 1.

Căn cứ Không quân Hmeimim của Nga ở phía Nam tỉnh Latakia, Syria

Về mặt quân sự, chiến dịch can thiệp ở Syria đã cho phép các lực lượng vũ trang Nga thử nghiệm hàng loạt vũ khí mới như tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu, luân chuyển binh sĩ tới chiến trường để tích lũy kinh nghiệm thực tế. Đó là chưa kể tới việc quảng bá xuất khẩu vũ khí, thử nghiệm sử dụng lực lượng lính đánh thuê quy mô lớn như Công ty Wagner.

Moscow đã đạt được tất cả những thắng lợi này với rất ít thương vong và tổn thất trang thiết bị đến mức lãnh đạo quân sự cấp cao Nga bắt đầu nói về việc sử dụng kinh nghiệm ở Syria như một mô hình tác chiến mới mà họ gọi là "chiến lược hành động hạn chế".

Ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phát động cuộc tấn công vào Đông Bắc Syria ngày 9/10, Nga cũng đã đạt được những mục tiêu quan trọng thông qua sự hiện diện của họ tại đây.

Mỹ quyết định rút quân khỏi Syria không những đã đáp ứng mong mỏi bấy lâu nay của Nga mà thậm chí còn gián tiếp để lại một số căn cứ quân sự cho Nga tiếp quản - một chiến thắng mang tính biểu tượng mạnh mẽ đối với Moscow.

Mối quan hệ rạn nứt giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, hai quân đội lớn nhất NATO có lẽ là tin tức mà Moscow rất mong đợi bởi Nga luôn coi liên minh này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với mình.

Không bỏ lỡ cơ hội, Nga đã ngay lập tức vận động bán các hệ thống vũ khí tối tân như tổ hợp phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, lại càng làm phức tạp thêm khả năng tương thích giữa các thiết bị của NATO.

Để phục vụ các tính toán lợi ích và kéo Ankara lại gần hơn, Moscow đã chấp nhận nhân nhượng một số vấn đề với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Chẳng hạn như, Nga đã đứng sang một bên trong cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Afrin hồi tháng 1/2018 hay việc ký một thỏa thuận với Tổng thống Erdogan ngày 22/10 buộc người Kurd Syria phải rời khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Bắc Syria và kế hoạch rút quân của Mỹ trước đó đã khiến Lực lượng Phòng vệ Syria (SDF) quay sang liên kết với chính phủ Syria, cho phép quân đội của Tổng thống Bashar al Assad mở rộng quyền kiểm soát các khu vực rộng lớn hơn tại đất nước mình.

Những diễn biến tích cực trên đã tăng cường đáng kể ảnh hưởng và vị thế của Nga ở Syria. Moscow có được tầm ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ và vững chắc với chính phủ Syria, qua đó biến Moscow thành một trung gian hòa giải gần như không thể thiếu đối với tất cả các lực lượng chính liên quan ở Syria, kể cả SDF và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga tham chiến ở Syria: Chiến thắng vinh quang nhưng thất bại cũng sẽ rất khủng khiếp? - Ảnh 2.

Tàu chiến Hạm đội Biển Đen Nga phóng tên lửa hành trình "Kalibr" vào các vị trí khủng bố ở Syria. Ảnh: Sputnik

Những rủi ro đang đợi Nga phía trước

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những lợi ích mà Nga đã đạt được thông qua việc tham gia vào chiến sự Syria, Moscow vẫn sẽ phải đối mặt với không ít thách thức phía trước.

Mối nguy hiểm đáng kể đầu tiên liên quan đến cuộc chiến chống lại các nhóm cực đoan trong khu vực vẫn chưa đến hồi kết.

Khi SDF rơi vào cảnh xáo trộn, người Mỹ về cơ bản rời khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ tập trung vào cuộc chiến chống lại các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG), tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lại có một cơ hội vàng để trỗi dậy ở những khu vực còn bị trống quyền lực tại miền Đông Syria.

Một số lượng lớn những phần tử cực đoan bạo lực hiện đang trốn khỏi các trại giam trên khắp vùng Đông Bắc Syria sẽ góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy IS vực dậy. Hơn nữa, các nhóm cực đoan khác như Hurras al-Din, một chi nhánh của al Qaeda có thể tập hợp sức mạnh chuyển từ thành trì của chúng ở tỉnh Idlib sang các vùng khác của Syria.

Khi đó, Nga có thể phải triển khai thêm quân đội và đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho chiến dịch ở Syria để chống lại lực lượng phiến quân đang hồi sinh và đương nhiên ngày càng coi Moscow là kẻ thù chính.

Ngay cả một trong những thành tựu đáng chú ý nhất của Nga trong năm vừa qua là đã tạo ra sự chia rẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng tiềm ẩn một số rủi ro đáng kể cho bản thân nước này.

Mối rạn nứt giữa Ankara và Moscow ở Syria chắc chắn sẽ xuất hiện khi hai nước cùng chia sẻ một chiến tuyến đang định hình trên khắp đất nước với sự sụp đổ của SDF và sự ra đi của Mỹ.

Cho tới hiện tại, điểm liên lạc duy nhất giữa họ là biên giới mặc định trên thực tế ở phía Tây Syria giữa các lực lượng ủy nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ và quân chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn.

Tuy nhiên, các chiến tuyến giữa hai bên sẽ mở rộng về phía Đông sông Euphrates, có nghĩa là sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra giao tranh giữa các đội quân ủy nhiệm tương ứng của mỗi bên - viễn cảnh thậm chí có thể kéo Moscow và Ankara đụng độ với nhau.

Một mối nguy hiểm khác đối với Nga bắt nguồn từ mối quan hệ đang xấu đi giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, đó là vấn đề vũ khí hạt nhân, nhất là khi thỏa thuận chia sẻ hạt nhân giữa Washington và Ankara có nguy cơ sụp đổ.

Là một phần trong chiến lược răn đe hạt nhân mở rộng mà Mỹ cung cấp cho các đồng minh NATO, lực lượng quân đội Mỹ hiện đang triển khai khoảng 50 quả bom hạt nhân B61 tại Căn cứ Không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Những vũ khí này nhằm trấn an các đồng minh NATO như Thổ Nhĩ Kỳ, rằng họ sẽ "không thân cô thế cô" trước các cuộc tấn công hạt nhân, mặc dù các nước tiếp nhận không được phép kiểm soát chúng nếu không có sự đồng ý của Mỹ.

Nga tham chiến ở Syria: Chiến thắng vinh quang nhưng thất bại cũng sẽ rất khủng khiếp? - Ảnh 3.

Máy bay trinh sát IL-20

Khi rạn nứt giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tăng, số phận chính sách chia sẻ hạt nhân này hiện đang được đặt ra. Tờ New York Times mới đây đưa tin, các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Mỹ đang xem xét lại tương lai của các vũ khí hạt nhân mà Washington đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu cuối cùng Mỹ quyết định rút hết số vũ khí này về, rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình. Điều này sẽ kích hoạt cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực vì những nước khác như Ả Rập Xê Út cũng sẽ cố gắng làm theo.

Kết quả sẽ là một cuộc chạy đua vũ trang đầy nguy hiểm, có thể gây bất ổn cho khu vực và mang nhiều vũ khí hạt nhân đến gần biên giới của Nga hơn.

Vị thế mạnh mẽ của Moscow ở Syria cũng đặt Nga vào thế thù địch với các nước có vai trò quan trọng trong khu vực, đặc biệt là giữa Iran và Israel. Cả Moscow và Tehran đều hỗ trợ đáng kể cho chính phủ Syria, nhưng các lực lượng Nga có thể bị cuốn vào cuộc chiến chéo nếu binh sĩ Iran tại đây tham chiến với Israel.

Trên thực tế, Nga đã phải hứng chịu tổn thất từ ​​cuộc xung đột giữa Israel và Iran khi một tên lửa đất đối không của Syria đã bắn rơi một máy bay cùng 15 nhân viên Nga vào tháng 9/2018 khi lực lượng chính phủ Syria đang cố gắng đẩy lùi cuộc không kích của Israel.

Và ngay cả khi các cường quốc phương Tây đã từ bỏ Syria, các lực lượng Nga vẫ có thể bị thiệt hại nếu diễn ra một cuộc tấn công trả đũa chống lại Tổng thống al Assad nếu Syria một lần nữa bị phát hiện sử dụng vũ khí hóa học.

Cho đến nay, chiến dịch quân sự của Nga ở Syria có thể nói là một thành công. Với số tiền tối thiểu, Nga đã gặt hái được những phần thưởng, trở thành "tay chơi" quyền lực nhất tại đây.

Tuy nhiên, với sự hiện diện lớn ở Syria, Moscow rất dễ đối diện với nguy cơ bị các nhóm vũ trang đối lập khác nhau tấn công, đó là chưa kể tới tình huống "bị ăn đạn lạc" giữa các đối thủ trong khu vực.

Do đó, đối với Nga, quyền lực lớn hơn cuối cùng sẽ luôn đi kèm với trách nhiệm lớn hơn và tất nhiên họ tự đặt mình trước những mối nguy hiểm mới.

Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại