Nga tập trận giả định tấn công tàu sân bay khiến Mỹ không thể ngồi yên

Kiều Anh |

Việc Nga tiến hành các cuộc tập trận ngày càng gần quần đảo Hawaii của Mỹ đã khiến Washington không thể ngồi yên.

Nga mới cung cấp thêm các thông tin chi tiết về những cuộc tập trận trên không và trên biển được tiến hành ở Thái Bình Dương gần đây, trong đó bao gồm các cuộc tấn công giả lập nhóm tác chiến tàu sân bay.

Mặc dù không rõ cuộc tập trận trên xảy ra khi nào nhưng thông báo trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một báo cáo cho biết các chiến đấu cơ tàng hình F-22A Raptor của Không quân Mỹ cất cánh từ Hawaii nhằm phản ứng trước các động thái của Nga trong khu vực.

Sự hiện diện mạnh mẽ của Nga đã khiến Mỹ phải rung chuông cảnh báo.

Bộ Quốc phòng Nga công bố video về các cuộc diễn tập gần đây của nước này ở trung tâm Thái Bình Dương, trong đó bao gồm cả cuộc tấn công vào nhóm tác chiến tàu sân bay của kẻ thù giả định.

Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một bài viết miêu tả về các cuộc diễn tập ở Thái Bình Dương, nhận định các cuộc tập trận này được tiến hành với "nhiệm vụ phá hủy nhóm tác chiến tàu sân bay của kẻ thù giả định".

Một cuộc tấn công tên lửa hành trình giả định đã được tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tiến hành.

Hai tàu chiến diễn tập hoạt động cách nhau gần 500 km trong đó một tàu sẽ đóng vai kẻ thù. Cùng tham gia các cuộc diễn tập còn có tàu ngầm chưa đặt tên của Hải quân Nga và 2 chiến đấu cơ chống tàu ngầm tầm xa Tupolev Tu-142, cất cánh từ Căn cứ Không quân Yelizovo trên quần đảo Kamchatka và được các tiêm kích đánh chặn MiG-31BM hộ tống.

Cuộc diễn tập này được tiến hành với "nhiệm vụ phát hiện, đối phó và tiến hành tấn công tên lửa nhằm vào nhóm tác chiến tàu sân bay của kẻ thù giả định", Bộ Quốc phòng Nga thông báo.

Cùng với các cuộc tấn công chống hạm, lực lượng tác chiến cũng được thử thách về khả năng sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ chống tàu ngầm và phòng không, Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Một số hình ảnh vệ tinh chưa được xác nhận cho thấy lực lượng tác chiến bề mặt của Hải quân Nga chỉ cách phía nam Honolulu, quần đảo Hawaii, 35 hải lý ngày 19/6 khi lực lượng này bị 3 tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ và 1 tàu tuần dương lớp Sentinel của Tuần duyên Mỹ theo dõi.

Nếu được xác nhận, vị trí này cho thấy lực lượng của Nga đang cách quần đảo Hawaii gần hơn bất kỳ nguồn tin nào chỉ ra hiện nay và đó là điều vô cùng bất thường khi không có báo cáo nào ghi nhận sự quan sát trực tiếp từ người dân địa phương ở khu vực lân cận.

Thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, cuộc tấn công tên lửa giả định được tiến hành từ cả tàu chiến bề mặt và từ trên không.

Cơ quan này cũng thông tin rằng, loạt diễn tập gần đây ở Thái Bình Dương là kiểu tập trận đầu tiên mà Hạm đội Thái Bình Dương tiến hành trong những năm gần đây với sự tham gia của 20 tàu chiến bề mặt, tàu ngầm, các tàu hỗ trợ cùng với một số chiến đấu cơ.

Sự gia tăng hoạt động của Hải quân Nga quanh Hawaii diễn ra giữa bối cảnh cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa kết thúc ở Thụy Sĩ vào tuần trước.

Hội nghị Thượng đỉnh trên diễn ra sau khi Washington và Moscow trục xuất các nhà ngoại giao của nhau hồi đầu năm và rút các đại sứ về nước. Dù vậy, cuộc gặp này đã tìm ra giải pháp và nối lại quan hệ ngoại giao giữa các đại sứ quán, mặc dù hai bên vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng.

Nhìn chung, việc Hải quân Nga ngày càng sẵn sàng tiến hành các cuộc diễn tập tầm xa gần các vùng biển của Mỹ dường như cho thấy Moscow quan tâm hơn đến Hawaii và khu vực trung tâm Thái Bình Dương.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ cảnh báo vào năm ngoái rằng, ông không còn coi Bờ Đông của nước Mỹ là khu vực "không cạnh tranh" hay là một "nơi trú ẩn an toàn" cho các tàu thuyền và tàu ngầm nữa khi hoạt động của Hải quân Nga ngày càng gia tăng ở khu vực này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại