Nga tăng cường 'xoay trục' sang châu Á sau hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây

Công Thuận |

Nga đã có sự chuyển hướng sang châu Á trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và năng lượng trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva do những diễn biến ở Ukraine.

Nga tăng cường xoay trục sang châu Á sau hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) trong một cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2019. Ảnh: AFP

Theo nhận định mới đây của Giáo sư, Tiến sĩ Ilyas Kemaloglu với hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), Nga đã chuyển quan hệ thương mại và các dự án năng lượng sang châu Á. Các đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga vào thời điểm này là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Kazakhstan. Tuy nhiên, chỉ một năm trước, đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga là EU.

Cụ thể, Giáo sư Kemaloglu cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài hơn 1 năm đã dẫn đến những thay đổi đáng kể ở cả cấp độ khu vực và quốc tế. Trước các lệnh trừng phạt liên tiếp của phương Tây, trong một tuyên bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moskva tiếp tục hướng về châu Á, như nước này đã làm nhiều lần trong suốt lịch sử.

Có một số lý do khiến Nga quan tâm và gia tăng ảnh hưởng đối với khu vực địa lý thuộc Liên Xô cũ và các thành trì từng là của Liên Xô ở Trung Đông và châu Á-Thái Bình Dương. Nga đã chứng tỏ rằng họ là cường quốc quan trọng nhất ở Trung Á và vùng Kavkaz, cho rằng trở thành một tác nhân toàn cầu trước tiên là trở thành một cường quốc khu vực, đồng thời làm giảm sự diện của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ở đó. Song song với việc Nga tăng cường sức mạnh ở khu vực lân cận, mối quan tâm của nước này đối với các khu vực Trung Đông, châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương cũng tăng lên.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã biến thành cuộc đối đầu giữa Nga và các nước phương Tây. Trong khi phương Tây hỗ trợ quân sự và vật chất cho Ukraine, họ cũng đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Moskva. Do đó, Nga đã tái tập trung chính sách đối ngoại của mình vào châu Á, nơi mà nước này đã đầu tư trong những năm gần đây.

Cuộc đấu đối đầu với các nước phương Tây cũng đã đưa Nga xích lại gần Trung Quốc. Quan hệ với Bắc Kinh có tầm quan trọng rất lớn đối với Moskva trên phương diện xóa bỏ sự cô lập về chính trị và phối hợp hành động trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng cực kỳ quan trọng đối với Nga. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là "cửa ngõ" của Nga với thế giới về giao thông vận tải, du lịch, thương mại, năng lượng và tất cả các lĩnh vực khác.

Nga cũng đang phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với Ấn Độ. Ấn Độ đang mua các công nghệ quân sự quan trọng từ Nga, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Nga cũng đã tăng cường hợp tác quân sự với Iran và Triều Tiên. Năm 2022, Tổng thống Putin đã đến thăm các quốc gia Trung Á cũng như Iran và Trung Quốc.

Cùng năm, các quan chức Nga đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Caspian, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hội nghị về Tương tác và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), cuộc họp của Hiệp ước Tổ chức An ninh Tập thể (CSTO) và cuộc họp của Hội đồng Kinh tế Á-Âu. Cũng cần lưu ý rằng Nga đang tích cực tham gia vào các công việc của nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và đang tìm cách nâng cao tầm quan trọng của tổ chức này.

Việc Nga xích lại gần các nước châu Á diễn ra đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và dự án năng lượng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu ước tính tăng 25% lên 431 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 16% xuống 180 tỷ USD. Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Kazakhstan hiện là những đối tác thương mại quan trọng của Nga. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc vượt 190 tỷ USD (tăng 30% so với năm 2021). Trong 10 đầu tháng năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Thỗ Nhĩ Kỳ và Nga đạt mức cao kỷ lục (56,5 tỷ USD).

Năng lượng là một trong những lĩnh vực Nga chuyển hướng mạnh mẽ sang châu Á. Năm 2022, Nga xuất khẩu 15,5 tỷ mét khối khí đốt sang Trung Quốc qua đường ống Power of Siberia (năm 2021 là 10,4 tỷ mét khối). Vào năm 2023, các bên có kế hoạch tăng con số này lên khoảng 23 tỷ mét khối và giai đoạn 2027-2028, đường ống Power of Siberia 2 sẽ được khởi động.

Ngoài ra, Nga đã tăng cường xuất khẩu dầu và khí đốt sang các nước châu Á khác. Thật vậy, ngoài Trung Quốc và Ấn Độ đã nhập khẩu lượng dầu khổng lồ từ Nga nhờ giá chiết khấu, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga. Nhìn chung, Nga có kế hoạch tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Á-Thái Bình Dương lên tới 70 tỷ mét khối vào năm 2025. Các quan chức Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang làm việc để thành lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tóm lại, trong suốt lịch sử của mình, Nga coi trọng cả khu vực Trung Á và Trung Đông cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thực tế là các Trung tâm nghiên cứu Turcology (trung tâm khoa học và nhân văn Thổ Nhĩ Kỳ) và Trung tâm nghiên cứu phương Đông quan trọng nhất trên thế giới được đặt tại Nga là một trong những minh chứng về điều này. Tầm quan trọng của châu Á đối với Nga càng tăng lên trong thời kỳ Moskva có quan hệ căng thẳng với phương Tây. Với mức độ căng thẳng hiện nay, sự chuyển hướng của Nga sang châu Á có thể sẽ tiếp tục trên nhiều mặt và ngày càng toàn diện hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại