Bên cạnh kênh đấu tranh ngoại giao, về phía Nga và Syria sự chuẩn bị cho kịch bản bị không kích có vẻ rất "nguội lạnh".
Điều này thật khác lạ so với phản ứng của Nga và Syria trong đợt không kích ngày 14-4, khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố sẽ bắn hạ mọi bệ phóng tên lửa nhằm vào lực lượng Nga ở Syria.
Trái với tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Donald Trump hay mới nhất là phát ngôn của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton về việc liên quân sẽ có "đòn trả đũa lớn hơn nhiều so với trước đây" liên quan tới tình hình sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib, phía Nga và Syria không hề có những tuyên bố đáp trả cứng rắn, hay động thái lên gân rõ ràng.
Phải chăng mọi việc đang diễn ra đã nằm trong tính toán của cả Nga và Syria. Và khi đã có sự chuẩn bị từ trước khi chiến dịch Idlib bắt đầu, không chỉ có Nga mà hệ thống phòng không Syria hiện tại không còn giống như hồi 14-4, mà còn lợi hại hơn xưa…
Phòng không Syria đánh trả quyết liệt tên lửa Mỹ và đồng minh hôm 14/04.
Việc chuẩn bị không phải diễn ra trong ngày một, ngày hai
Có một điều không mới, nhưng có thể nhiều người không chú ý đó tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga về sự hiện diện chuyên gia Nga hỗ trợ Quân đội Syria khôi phục và nâng cấp hệ thống phòng không. Công việc này đã diễn ra từ hơn 1 năm trước và hiện tại vẫn đang được tiếp tục.
Điểm chú ý tiếp theo là sự hoạt động nhộn nhịp của cầu vận tải biển Syria Express đi cùng với đó là sự xuất hiện của xe tăng T-90A, T-62M trong tay nhiều lực lượng tham chiến thân chính phủ Syria.
Điều này đặt ra vấn đề, ngoài những khí tài đã được công khai trên, liệu còn có những khí tài quân sự nào khác, vũ khí phòng không mới được chuyển tới Syria?
Dù không công khai, nhưng phía Quân đội Syria cũng nửa kín, nửa hở tuyên bố, dự trữ đạn tên lửa phòng không đã tăng lên nhiều lần. Đây có thể coi là một trong những bằng chứng rõ ràng về việc hệ thống phòng không Syria không chỉ được thay đổi về lượng, mà còn cả về chất.
Ở Syria đã xuất hiện của nhiều tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại, đối phó tốt với các đợt không kích bẳng tên lửa hành trình bay thấp, trong đó có Tor-M2.
Cái khác biệt của Tor-M2 nằm ở việc nó là vũ khí phòng không lục quân, thiết kế cho khả năng chiến đấu ở trạng thái cơ động cao. Hẳn nhiều người đã biết về tính năng mới nhất của Tor-M2M ở khả năng chiến đấu trong trạng thái hành tiến và là khắc tinh của các loại vũ khí tấn công hành trình, bay thấp.
Hệ thống tên lửa Tor-M2 trên sân bay Khmeimim.
Đó là những yếu tố hơn hẳn so với các loại vũ khí phòng không truyền thống. Với việc phần lớn lãnh thổ Syria đã được giải phóng, Syria và Nga có thể thoải mái bố trí các trận địa phòng không cơ động, đón lõng các đợt không kích cấp tập bằn tên lửa hành trình tầm xa.
Liệu trong khói lửa không kích, Mỹ và đồng minh có biết được tên lửa tấn công bị loại vũ khí phòng không nào bắn hạ?
Đó chính là yếu tố chuẩn bị về vật lực giúp giải thích tại sao, Nga và Syria dường như vẫn đang "bình chân như vại" trước các tuyên bố mang tính cứng rắn của Mỹ và đồng minh.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, yếu tố quan trọng nhất giúp thay đổi về chất trong hệ thống phòng không Syria chính là yếu tố con người.
Con người vẫn là yếu tố quyết định
Về tầm quan trọng của tinh thần chiến đấu, trình độ của kíp điều khiển hay công tác phối hợp tác chiến trong một hệ thống hợp nhất rõ ràng vẫn là yếu tố quyết định giúp Syria và Nga đã đánh bại được đòn không kích của Mỹ và đồng minh hay không!
Một yếu tố quan trọng đối với hệ thống phòng không Syria đó chính là sự có mặt của các chuyên gia Nga. Họ chính là những người hiểu khí tài nhất, cách điều khiển ra sao để tối ưu hóa được tính năng của khí tài.
Điều này có thể giải thích đơn giản vì Liên Xô và Nga là nơi sản xuất ra chúng.
Chuyên gia Nga có thể không phải trực tiếp điều khiển, mà chỉ cần làm công tác tham mưu, hỗ trợ khả năng kết nối mạng hợp nhất giữa hệ thống phòng không Syria với các thành phần phòng không-không quân Nga đang có mặt ở Syria đã tạo ra bước chuyển lớn về chất đối với phòng không Syria.
Yếu tố tiếp theo chính là trưởng thành của hệ thống phòng không Syria trong thời gian qua, mà quan trọng nhất chính là yếu tố con người. Nếu trong quá khứ, Không quân Israel có thể coi không phận Syria như chốn không người, ra vào tùy thích, thì nay đã khác.
Tổ hợp Pantsir-S1 được cho là có rất nhiều trong biên chế PK Syria.
Máy bay chiến đấu Israel chỉ dám dùng tên lửa hành trình tầm xa tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Syria, mà nhiều tên lửa tấn công đã bị hệ thống phòng không Syria bắn hạ.
Đây có thể coi là lý do tại sao Nga và Syria là chủ động để ngỏ không phận phía Nam để dụ Mỹ và đồng minh. Đối với các đơn vị phòng không Syria, vùng không phận đó chính là nơi họ chiến đấu hằng ngày với Không quân Israel.
Các yếu tố về địa hình, nhiễu đều được các kíp điều khiển nắm rõ, cũng như các trận địa, phương án chiến đấu đã hoạch định sẵn.
Điều quan trọng không kém khác chính là tinh thần chiến đấu. Những lời quảng cáo về tên lửa "mới, đẹp và thông minh" đã bị hạ bệ tại Syria trong cuộc không kích ngày 14-4.
Điều này giúp binh lính, sĩ quan phòng không Syria hiểu rằng họ có đủ khả năng bắn hạ chúng bằng những khí tài đang có. Từ đó tạo ra nhuệ khí chiến đấu.
Những yếu tố trên đã giúp giải thích tại sao Nga và Syria lại có vẻ "điềm tĩnh" trước đe dọa không kích từ Mỹ và đồng minh NATO. Tất cả đã được xếp đặt! Việc còn lại chỉ là chờ xem ai là người cao tay hơn trong ván cờ Syria…
Phòng không Syria khoe hàng nóng.