Phát biểu với báo giới, ông Lavrentiev nêu rõ: "Chúng tôi đã chuyển cho phe đối lập vũ trang Syria một bản dự thảo hiến pháp Syria do các chuyên gia Nga soạn thảo để họ có thể nghiên cứu. Mục đích nhằm đẩy nhanh tiến trình chấm dứt chiến tranh". Tuy nhiên, phe đối lập tuyên bố đã từ chối thảo luận về dự thảo hiến pháp này với phía Moskva.
Trước đó cùng ngày, kết thúc cuộc hòa đàm diễn ra tại thủ đô Astana (Kazakhstan) về tình hình Syria, 3 nước bảo trợ gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố chung khẳng định đã đạt được sự nhất trí về cơ chế kiểm soát thực thi lệnh ngừng bắn tại Syria.
Theo tuyên bố chung, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thành lập một cơ chế 3 bên để giám sát và đảm bảo việc thực thi đầy đủ lệnh ngừng bắn, ngăn chặn mọi hành động khiêu khích và xác định mọi phương thức thực hiện lệnh ngừng bắn.
Tuyên bố cũng nêu rõ các nước bảo trợ "ủng hộ sự sẵn sàng của các nhóm đối lập vũ trang tham gia vòng đàm phán chính trị tiếp theo" dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 8/2 tới.
Phái đoàn Chính phủ Syria đã có phản ứng đầu tiên khi đánh giá cuộc hòa đàm tại Astana diễn ra "thành công".
Trong khi đó, nhà thương thuyết của phe đối lập Syria, ông Mohammad Alloush đã đổ lỗi cho Chính quyền Damascus và Iran về việc không đạt được tiến triển rõ rệt nào trong cuộc hòa đàm tại Astana nhằm củng cố lệnh ngừng bắn ở Syria.
Ông Alloush nêu rõ: "Chưa có một tiến triển đáng kể nào trong các cuộc đàm phán vì sự không khoan nhượng của Iran cũng như Chính phủ Syria".
Trong một diễn biến liên quan, Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura cùng ngày cho rằng LHQ cần tiếp tục dẫn dắt tiến trình hòa bình Syria và các cuộc hòa đàm vẫn nên diễn ra tại Geneva.