Nga sẽ theo dõi sát việc Mỹ bố trí tên lửa trên thế giới

TRI TÚC |

Nga cảnh báo hệ thống radar cảnh báo sớm của Mỹ được bố trí ở các quốc gia vùng Baltic có thể quét sâu vào không phận Nga tới 450km.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay Nga sẽ theo dõi sát sao nguy cơ Mỹ triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung ra nước ngoài, đặc biệt ở châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương.

Chủ nhân Điện Kremlin đưa ra tuyên bố trên bốn tháng sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1987.

Hôm 24-12, Tổng thống Putin cho hay việc Mỹ từ bỏ hiệp ước INF và thực hiện các vụ thử tên lửa sau đó đã cho Nga lý do mới để cảnh giác.

“Chúng tôi phải theo dõi nguy cơ Mỹ triển khai tên lửa ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương”, nhà lãnh đạo Nga phát biểu tại cuộc họp thường niên của Ủy ban Quốc phòng, đài RT đưa tin.

Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng ngoài việc cần phải để mắt đến những diễn biến này, Moscow cũng cần “phân tích các mối đe dọa quân sự tiềm tàng và xác định những biện pháp để sử dụng và cải thiện hơn nữa lực lượng vũ trang”.

Cũng trong cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho hay Lầu Năm Góc đang tăng cường khả năng tấn công sau khi rút khỏi INF, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội Mỹ sẽ sớm có thể xuất kích máy bay ném bom hạt nhân trong 24 giờ, rút ngắn thời gian sẵn sàng chiến đấu.

Ông Shoigu tiếp tục cảnh báo rằng các hệ thống radar cảnh báo sớm của Mỹ được bố trí ở các quốc gia vùng Baltic có thể quét sâu vào không phận Nga tới 450km.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tổ chức 40 cuộc tập trận quy mô lớn có nội dung chống Nga, ông Shoigu cho hay.

Nga sẽ theo dõi sát việc Mỹ bố trí tên lửa trên thế giới - Ảnh 1.

Tên lửa hành trình Tomahawk được phóng đi từ tàu chiến của Mỹ. Ảnh: RT

Vào ngày 12-12, Lầu Năm Góc trong một tuyên bố cho hay họ đã thử tên lửa đạn đạo tầm trung bay hơn 500 km trước khi rơi xuống biển. Đây là tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất thứ hai Mỹ tiến hành thử trong vòng bốn tháng.

Nga và Mỹ cũng ký một hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn khác là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START). Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào tháng 2-2021. Hôm 19-12, Tổng thống Putin nói rằng bất chấp Nga đề xuất với Washington xem xét gia hạn hiệp ước thêm năm năm nữa, Điện Kremlin vẫn chưa nhận được phản hồi từ Nhà Trắng.

Ông Putin cũng cảnh báo rằng không gì có thể kìm hãm một cuộc chạy đua vũ trang khác, do đó an ninh quốc tế sẽ bị phá hủy nếu START không được gia hạn.

Hôm 22-12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay Nga sẵn sàng bao gồm hai vũ khí chiến lược của nước này là tên lửa Sarmat hạng nặng và tên lửa siêu thanh Avangard vào START nếu hiệp ước này được gia hạn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 8 chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận INF, trong đó cấm Mỹ và Nga triển khai tên lửa phóng từ đất liền có tầm bắn từ 500-5.500km.

Mỹ tuyên bố nước này rút khỏi thỏa thuận sau khi cáo buộc Nga vi phạm INF . Nga nhiều lần bác cáo buộc và chấm dứt thực hiện các nghĩa vụ trong INF sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

Mỹ ngay sau đó thử tên lửa bị cấm trong INF. Nga lên án vụ phóng thử, cảnh báo một cuộc chạy đua vũ trang.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại