Nga sẽ dùng biện pháp quân sự trả đũa việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF?

Trí Đức |

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định lý do Hoa Kỳ đưa ra để rút khỏi Hiệp ước INF là mơ hồ, và nếu cần thiết Nga thậm chí sẽ sử dụng các biện pháp quân sự để đáp trả.

Hôm 21/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã có cuộc phỏng vấn với RIA Novosti. Đề cập tới việc Washington lên kế hoạch rút khỏi Hiệp ước về loại bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), ông cho biết Nga lên án động thái mới của Hoa Kỳ khi cố gắng buộc Moscow nhượng bộ trong vấn đề ổn định chiến lược.

"Phía Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng không có căn cứ nào để cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này, kể cả từ phía người Mỹ", ông Ryabkov nói. Theo ông, trong nhiều năm, Washington không thể đưa ra bằng chứng cho các cáo buộc mơ hồ chống lại Moscow.

Nga sẽ phản ứng thế nào?

Nhà ngoại giao tiết lộ, rằng nếu Hoa Kỳ tiếp tục đơn phương rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, Nga sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa, kể cả các biện pháp quân sự. "Tuy nhiên áp dụng biện pháp này là điều không mong muốn", ông Ryabkov lưu ý.

Ông nhấn mạnh, rằng việc rút khỏi Hiệp ước INF là vấn đề khá nghiêm trọng, không thể chỉ được giải quyết thông qua các cuộc tranh luận công khai.

"Chính sách vụng về và thô lỗ của Mỹ đang khiến phản đối gia tăng ở nhiều quốc gia và ngày càng sâu rộng trong cộng đồng quốc tế. Washington không nên đánh giá thấp những thay đổi này", nhà ngoại giao Nga nói thêm.

Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao, hôm Chủ nhật (21/10), Trợ lý an ninh quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ John Bolton đã tới thăm nước Nga. Bộ Ngoại giao Nga đang chờ đợi lời giải thích từ ông này.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Nga Alexey Pushkov ngày 21/10 cho rằng việc Washington rút khỏi Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) sẽ là một cú giáng mạnh vào hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu.

Trên tài khoản Twitter, ông Pushkov - người đứng đầu ủy ban tạm thời về chính sách thông tin và truyền thông của Hội đồng Liên bang (Thượng Viện) Nga, nhấn mạnh:

"Trong trường hợp Mỹ rút khỏi (INF), một đòn mạnh sẽ giáng vào toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược trên thế giới". Ông Pushkov nói thêm rằng Mỹ lại một lần nữa tuyên bố rút khỏi hiệp ước, và gọi việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước ABM (Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo) hồi năm 2001 là cú giáng đầu tiên.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ từ bỏ Hiệp ước INF đã ký với Nga, đồng thời cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước.

Nga sẽ dùng biện pháp quân sự trả đũa việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF? - Ảnh 1.

Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước tên lửa INF?

Hiệp ước tên lửa

Hiệp ước về tên lửa tầm trung và tầm ngắn đã được ký kết vào ngày 8/12/1987, trong chuyến thăm của lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tới Washington. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500 km).

Bước đầu, hai bên cam kết giảm một loại vũ khí tên lửa với phạm vi hủy diệt từ 500 đến 1000 và từ 1000 đến 5500 km, bao gồm cả tên lửa R-12 và R-14 mà Liên Xô đặt tại Cuba vào năm 1962, vốn gây ra cuộc khủng hoảng Caribean.

Tháng 5/1991, hiệp ước đã được thực hiện đầy đủ, vào thời điểm đó Liên Xô đã phá hủy 1.752 tên lửa đạn đạo và hành trình, Hoa Kỳ cũng phá hủy 859 tên lửa.

Hiệp ước có hiệu lực vô thời hạn. Đồng thời, mỗi bên có quyền chấm dứt nếu đưa ra được bằng chứng thuyết phục về sự cần thiết phải ra khỏi hiệp ước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại