Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS, ông Igor Krylov, Giám đốc Cục nghiên cứu GNPP Region thuộc Tổng công ty Vũ khí tên lửa chiến thuật (KTRV) của Nga cho biết, bom KAB-250 đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, dự kiến sẽ hoàn tất trong thời gian ngắn tới đây.
Bom được gắn trong khoang bom của Su-57, trong khi ở Su-34, Su-35 thì bom được treo vào các giá vũ khí dưới cánh.
Để kiểm nghiệm vũ khí trong môi trường tác chiến thực, Lực lượng Không quân-Vũ trụ Nga còn đưa Su-34 với bom KAB-250 sang Syria để không kích các mục tiêu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo những kết quả được công bố, bom KAB-250 hoàn toàn thỏa mãn những tính năng thiết kế.
Bom KAB-250 có đường kính 225mm, chiều dài 3,2m, nặng 250kg, mang đầu nổ 127kg, có thiết kế đuôi phức hợp, nhỏ gọn và bốn cánh hợp âm, sải cánh ngắn để tăng phạm vi bay liệng.
Bom được thiết kế cho nhiệm vụ tiêu diệt phương tiện kỹ thuật mặt đất, đầu mối đường sắt, kho tàng quân sự và các mục tiêu công sự kiên cố của đối phương.
Theo ông Krylov, các nhà máy của GNPP Region sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt bom KAB-250 vào năm 2020, trong đó, biến thể với thiết bị dẫn đường laser sẽ được sản xuất trước tiên.
Bom KAB-250 có hai biến thể với chế độ dẫn đường bằng laser (KAB-250 LGE) hoặc vệ tinh (KAB-250 SE). Ở cơ chế dẫn đường bằng laser, ở đầu mỗi quả bom có một thiết bị quang điện tử gắn kèm.
Thiết bị này sử dụng một camera quang ảnh nhiệt và so sánh với ảnh mục tiêu trong bộ nhớ, từ đó hiệu chỉnh đường bay sao cho sai số không quá 3m.
Trong khi đó, ở cơ chế dẫn đường vệ tinh, tọa độ của mục tiêu sẽ được nạp sẵn vào bom và nó sẽ tự động tìm kiếm vị trí mục tiêu nhờ định vị vệ tinh (tương tự như bom JDAM của Mỹ).