Dưới đây là nguyên văn bài phân tích của ông Mikhail Khodarenok, do hãng tin RT đăng tải.
Trong các cuộc tập trận gần đây, binh lính NATO được giao nhiệm vụ chiến đấu chống lại "một kẻ địch giả định" xâm lược Na Uy. Tuy nhiên, viễn cảnh này được dựa trên thực tế quân sự-chính trị, hay là "mối đe dọa từ Nga" mà NATO đã thổi phồng lên?
Cuộc tập trận Trident Juncture đã diễn ra ngoài khơi và trên lãnh thổ Na Uy từ ngày 25/10 – 7/11. Khoảng 50.000 binh sĩ đến từ 31 quốc gia, 250 máy bay, 65 tàu thuyền và hơn 10.000 xe quân sự đã tham gia vào cuộc tập trận quy mô lớn này.
Theo kịch bản, các lực lượng NATO sẽ bảo vệ Na Uy trước cuộc tấn công của "Murinus" – một đối thủ giả định – tại sườn phía đông bắc của NATO. Nhằm giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, lực lượng NATO đã triển khai quân từ đường biển, cũng như tiến hành các cuộc đổ bộ mặt đất và tấn công đường không.
Kỳ hạm HDMS Esbern Snare trong cuộc tập trận Trident Juncture của NATO hôm 4/11. Ảnh: RT
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố cuộc tập trận này không nhằm vào bất cứ quốc gia nào cụ thể, nhưng đây là "điều quan trọng để cho thấy chúng ta có đủ khả năng hỗ trợ và bảo vệ đồng minh trước bất cứ mối đe dọa nào".
Song, Bộ Ngoại giao Nga mô tả cuộc tập trận của NATO là một "màn phô diễn lực lượng liều lĩnh" nhằm vào Moscow.
"Bất chấp nỗ lực khá vụng về của các đại diện và quốc gia thành viên NATO để mô tả hoạt động quân sự này như một phương thức phòng thủ, rõ ràng là màn phô diễn khả năng chiến đấu lần này có yếu tố chống Nga rất dễ nhận thấy" – Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Nga có khả năng "xâm lược" Na Uy hay không?
Hãy cùng làm rõ một điều – liệu Nga có khả năng xâm lược Na Uy hay không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ không phân tích các khía cạnh quân sự và chính trị, mà sẽ chỉ tập trung vào các vấn đề chiến lược, chiến dịch và kỹ thuật.
Để chiếm giữ được miền trung Na Uy, như trong kịch bản giả định, các lực lượng Nga sẽ phải tiến hành một cuộc tấn công hiệp đồng, gồm các chiến dịch bộ-không-biển.
Khoa học quân sự định nghĩa đây là một loại hình chiến dịch mà trong đó các lực lượng hải-lục-không quân sẽ phối hợp với nhau để đạt một mục tiêu chiến lược chung. Họ sẽ sử dụng tàu hải quân để triển khai lực lượng trên bộ và trên không vào vùng bờ biển giao tranh hoặc có nguy cơ giao tranh, tại một bãi biển đã được xác định từ trước.
Chiến dịch Overlord, diễn ra vào tháng 6/1944, là ví dụ điển hình của loại hình chiến dịch này.
Tất nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khó có thể tiến hành một chiến dịch quy mô lớn như vậy nhằm vào Na Uy, nhưng nếu chúng ta cân nhắc một tình huống giả định, và áp dụng kinh nghiệm của quân đội Liên Xô, chúng ta sẽ nhận thấy rằng:
Cần phải có vài sư đoàn và lữ đoàn đổ bộ đường không, các lực lượng đổ bộ, và một số sư đoàn bộ binh cơ giới để tiến hành thành công chiến dịch hiệp đồng này.
Giờ thì hãy xét tới các khía cạnh khác của chiến dịch hiệp đồng. Đầu tiên, hãy tập trung vào chiến dịch đổ bộ đường không. Thường thì sư đoàn đổ bộ đường không sẽ "được thả xuống mặt đất" bằng dù. Nếu quy mô lực lượng nhỏ hơn cỡ sư đoàn thì đây không phải là hoạt động cấp chiến dịch, mà là cuộc tấn công đổ bộ đường không cấp chiến thuật.
Quân đội Nga có một số sư đoàn đổ bộ đường không nhưng họ cần tới các máy bay vận tải quân sự để tiến hành chiến dịch đổ bộ. Điều này sẽ không thể làm được nếu không có chúng. Tuy nhiên, lực lượng Không quân Vũ trụ Nga hiện không có đủ máy bay vận tải để tiến hành chiến dịch đổ bộ đường không quy mô toàn diện.
Trong trường hợp hoàn hảo nhất, Nga chỉ có thể vận chuyển một trung đoàn lính dù. Do đó, có thể loại bỏ khả năng Nga tiến hành chiến dịch đổ bộ đường không vào Na Uy, bởi lý do đơn giản là Moscow không có đủ máy bay cho hoạt động đó.
Tương tự, một cuộc tấn công đổ bộ đường biển sẽ đòi hỏi phải có ít nhất 1 sư đoàn thủy quân lục chiến. Hiện nay, Nga không có sư đoàn thủy quân lục chiến nào. Sư đoàn số 55, vốn đóng tại Viễn Đông, đã bị giải thể.
Để thành công, chiến dịch đổ bộ đường biển còn cần có các lực lượng khác, ngoài thủy quân lục chiến. Tuy nhiên, Hạm đội phương Bắc của Nga chỉ có 5 tàu đổ bộ tấn công (gồm 4 tàu Project 775 và 1 tàu Project 11711).
Chiếc mới nhất trong Project 775 đã được chế tạo từ năm 1985, tức là đã 33 tuổi. Những chiếc còn lại thậm chí già nua hơn, bởi chúng được chế tạo cách đây 40-42 năm. Tàu đổ bộ tấn công mới duy nhất của Hạm đội phương Bắc là Ivan Gren (Project 11711), được đưa vào biên chế trong năm 2018.
Tàu đổ bộ cỡ lớn Ivan Gren của Nga. Ảnh: Bộ QP Nga
Những phương tiện đổ bộ này chỉ chở theo được vài tiểu đoàn, rõ ràng không đủ để chiếm giữ được lãnh thổ Na Uy.
Có một chi tiết quan trọng hơn ở đây. Đó là thủy quân lục chiến Nga chủ yếu sử dụng xe thiết giáp lội nước BTR-80 và các phiên bản khác thuộc dòng xe này. Nhưng chúng có một khiếm khuyết rất lớn: chúng chỉ có thể hoạt động tốt tại các vùng biển tương đối bình lặng, như ở vịnh Sevastopol hoặc vịnh Kola.
Nếu được triển khai tại vùng biển Na Uy, rất có khả năng không có chiếc BTR nào đi đến được bờ biển. Ai cũng biết loại xe này của Nga thiếu sức nổi và không thể di chuyển ngay cả trong điều kiện sóng nhẹ.
Thông thường, các tàu đổ bộ tấn công của Nga sẽ đi đến gần bãi biển rồi mở cửa ở mũi tàu để các lực lượng đổ bộ nhanh chóng tràn lên bờ chiếm giữ khu vực này. Tuy nhiên, trong tình huống chiến đấu thực tế, gần như không thể thực hiện được điều đó. Phương thức tốt nhất là sử dụng máy bay và xuồng đổ bộ trên các tàu tấn công đổ bộ đa nhiệm.
Cũng vì mục đích đó mà Hải quân Mỹ có rất nhiều loại tàu khác nhau: tàu tấn công đổ bộ đa nhiệm, tàu đổ bộ chở trực thăng (LHD) hoặc tàu vận tải đổ bộ (LSD). Tuy nhiên, Hải quân Nga hiện không có mẫu tàu nào tương tự và cũng không có chiếc tàu nào loại này dự kiến được đưa vào biên chế trong thời gian ngắn sắp tới.
Các tàu đổ bộ Project 775 có lượng giãn nước chỉ 4.400 tấn và chúng không có sàn đáp trực thăng.
Trong khi đó, Mỹ có tàu tấn công đổ bộ đa nhiệm lớp Wasp với lượng giãn nước lên tới trên 40.000 tấn.
Nó có thể chở theo một không đoàn trực thăng và máy bay cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng, đồng thời có thể đổ bộ một đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh, với 1.900 lính, trực tiếp lên vùng bờ biển không thuận lợi. Trên thực tế, tàu lớp Wasp không khác gì một tàu sân bay thu nhỏ.
Ngoài ra, để tiến hành thành công chiến dịch đổ bộ đường không và đường biển còn cần có một điều kiện quan trọng. Đó là cần đảm bảo hoàn toàn ưu thế trên không và trên biển tại khu vực trước khi tiến hành chiến dịch.
Nếu không đạt được điều đó, chiến dịch hiệp đồng có nguy cơ thất bại. Lực lượng đổ bộ sẽ bị đối thủ đàn áp không thương tiếc trước khi họ tới được bờ biển.
Rất khó để chinh phạt và duy trì ưu thế trên không ở khoảng cách hơn 1.000km, tính từ bán đảo Kola. Quả thực, điều này là không thể. Chẳng hạn, phạm vi chiến đấu của một máy bay Su xấp xỉ là 1.000km.
Trong điều kiện thực, mức này có thể cho phép chiếc máy bay tiếp cận vùng tấn công đổ bộ nhưng nó sẽ phải quay trở lại ngay lập tức do nhiên liệu cạn kiệt. Vậy làm thế nào để nó có thể tác chiến không-đối-không hoặc tuần tra khu vực?
Nếu như chúng ta lựa chọn bất kỳ một máy bay yểm trợ đường không nào của Nga thì chúng sẽ có phạm vi tác chiến như sau: Su-25 (200-300km, phụ thuộc vào tải trọng), trong khi Su-24 là 650km (tùy vào độ cao bay khác nhau).
Điều đó cho thấy Nga đơn giản không có đủ khả năng để giành lấy và duy trì ưu thế trên không tại khu vực cách quá xa bán đảo Kola. Trên hết, năng lực hoạt động của các căn cứ không quân ở vùng Murmansk rất hạn chế, số lượng sân bay tại đây cũng vậy – chỉ đếm trên đầu ngón tay: Kilpyavr, Severomorsk-1, Olenya, Monchegorsk, Africanda.
Những căn cứ này không đủ điều kiện để triển khai bất cứ lực lượng không quân quy mô lớn nào nhằm hỗ trợ cho cuộc tấn công. Ngoài ra, cơ sở vận chất của chúng không đủ vững chắc để chất trữ các loại nhiên liệu và đạn dược cần thiết, trong khi chiến dịch đổ bộ đòi hỏi phải có hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng tấn hai thứ trên.
Liệu một mình Hạm đội phương Bắc của Nga có đủ khả năng chiếm ưu thế tại vùng tấn công trên biển hay không? Đây không hẳn là một câu hỏi khó.
Hạm đội phương Bắc chỉ có một số lượng khiêm tốn các tàu chiến mặt nước cỡ lớn, gồm 2 tàu tuần dương, 1 tàu khu trục, 1 khinh hạm và 5 tàu săn ngầm cỡ lớn (nhưng không phải chiếc nào cũng hoạt động). Hầu hết các tàu này được đóng từ thời Liên Xô, và chỉ có một chiếc thực sự mới, đó là khinh hạm Admiral Gorshkov.
Khinh hạm Admiral Gorshkov của Nga. Ảnh: Wiki
Sẽ là nói quá nếu cho rằng lực lượng này đủ để giành ưu thế trên biển trước lực lượng liên hợp của NATO tại vùng chiến dịch hiệp đồng. Cán cân sẽ không nghiêng hẳn về phía Nga ngay cả khi lực lượng yểm trợ từ các hạm đội khác được triển khai.
Thời tiết là một yếu tố khác không thể bị xem nhẹ. Ở Bắc Đại Tây Dương, thời thiết khá khó lường và có thể thay đổi rất nhanh chóng. Ngay cả sau khi tất cả lực lượng đã sẵn sàng thì cũng phải mất thêm 2 ngày (thậm chí nhiều hơn) để đưa họ tới vùng đổ bộ.
Trong khoảng thời gian đó, vùng biển yên ả và êm đềm có thể sẽ gặp phải cơn bão cấp 9. Điều gì xảy ra sau đó? Toàn bộ lực lượng sẽ phải lênh đênh trên biển, trong tầm quan sát của kẻ địch.
Năm 1944, khoảng cách giữa Portsmouth tại Anh và bờ biển Normandy chưa đầy 200km, tuy nhiên, quân Đồng Minh đã phải ngồi chờ suốt 2 ngày tại các bến cảng của Anh do điều kiện thời tiết chuyển biến bất lợi.
Rút cuộc "kẻ thù" mà NATO cần đẩy lùi là ai?
Nhìn chung, chúng ta có thể rút ra nhiều kết luận từ đây. NATO đang phóng đại năng lực quân sự của Nga. Hiện Moscow không ở trong vị thế có thể tiến hành bất cứ cuộc xâm lược nào nhằm vào lãnh thổ NATO, dù từ trên không hay trên biển, thậm chí chỉ là trên lý thuyết.
Nếu Nga không đủ khả năng làm điều đó thì đối thủ mà NATO đang chuẩn bị đẩy lùi cuộc tấn công của hắn là ai?
Nga hiện cần xây dựng các lực lượng đổ bộ đường biển và khí tài đổ bộ mới, Moscow vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao chất lượng và tăng cường số lượng phương tiện tác chiến của lục quân và hải quân. Chỉ bằng cách này, Nga mới có đủ khả năng tiến hành chiến dịch đổ bộ đường không hay đường biển, ít nhất là trong tương lai gần.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà bình luận Mikhail Khodarenok