Tờ Business Insider (BI) đưa tin, theo sắc lệnh do Điện Kremlin công bố hôm 16/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký lệnh tăng thêm 180.000 binh sĩ cho quân đội Nga. Điều này sẽ giúp nâng tổng số quân nhân Nga lên 2,38 triệu người, trong đó có 1,5 triệu là quân nhân tại ngũ.
Reuters trích dẫn dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết, việc gia tăng quy mô quân đội có hiệu lực vào tháng 12 này sẽ đưa Nga trở thành quốc gia có đội quân lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc, đứng trên Mỹ và Ấn Độ.
Việc tăng quân phù hợp với kế hoạch chiến tranh đang diễn ra của Nga
Theo BI, đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Putin tìm cách gia tăng quy mô quân đội kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Nhà lãnh đạo Nga đã ra lệnh tăng thêm 137.000 quân vào tháng 8/2022, sau đó lại tăng 170.000 quân vào tháng 12/2023.
Nick Reynolds - nhà nghiên cứu về chiến tranh trên bộ tại tổ chức nghiên cứu quốc phòng và an ninh Royal United Services Institute có trụ sở tại London - cho biết, việc tăng quân này phù hợp với kế hoạch chiến tranh đang diễn ra của Nga.
Vào tháng 2, Reynolds là đồng tác giả của một bài bình luận cho rằng năm 2025 sẽ là năm thành - bại đối với Nga. Các tác giả viết rằng, Nga tin rằng họ có thể duy trì được tình trạng suy giảm quân số và trang thiết bị hiện tại cho đến năm 2025, với niềm tin rằng "chiến thắng sẽ đạt được vào năm 2026".
Điều đó không phải là không thể xảy ra nếu các đồng minh phương Tây của Ukraine không tiếp tục ủng hộ, các tác giả nói thêm. Nhưng sau năm 2026, Nga sẽ bắt đầu cạn kiệt lượng xe tăng và xe chiến đấu bọc thép hiện có, và sẽ phải dựa vào việc sản xuất những chiếc mới.
"Số lượng thiết bị ra khỏi dây chuyền sản xuất vẫn sẽ rất lớn", Reynolds trả lời phỏng vấn BI hôm 18/9. "Chỉ ít hơn một chút so với hiện tại."
Theo Reynolds, điều đó đặt ra câu hỏi về cách Nga có thể cung cấp khí tài cho đội quân với quy mô lớn hơn của mình khi lực lượng này đã quá căng thẳng.
"Nguồn cung sẽ đến từ đâu? Việc tuyển quân sẽ diễn ra như thế nào?" Reynolds cho biết và nói thêm: "Vẫn còn một số câu hỏi nghiêm túc về việc họ [quân đội Nga] sẽ được trang bị ra sao."
Ông còn cho biết, có thể thấy được cách thức đào tạo hiện tại của Nga cũng khó có thể hỗ trợ cho việc mở rộng quân đội.
Theo nhà nghiên cứu này, việc tăng quân diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với Nga, khi nước này phải cân bằng giữa các mục tiêu quân sự ở Ukraine với thiệt hại mà chiến tranh gây ra cho nền kinh tế.
Nga đã "thích nghi tốt hơn nhiều so với dự đoán trước một số áp lực mà họ phải chịu", Reynolds nói với BI. Nhưng bất chấp điều này, ông cho biết "lạm phát đang tăng vọt, chi phí sinh hoạt cũng tăng vọt".
Bỏ 180.000 người khỏi thị trường lao động sẽ tác động nghiêm trọng đến kinh tế
Các chuyên gia khác mà BI đã trao đổi cho biết rằng, mặc dù Tổng thống Putin vẫn có thể gia tăng quy mô quân đội Nga, nhưng điều đó chỉ gây thêm áp lực cho lực lượng lao động vốn đã quá căng thẳng của Nga.
Nhà kinh tế Artem Kochev tại Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Vienna (Áo) nói với BI rằng, thị trường lao động của Nga sẽ ít bị ảnh hưởng hơn nếu việc tuyển quân được thực hiện theo cách có mục tiêu.
"Hiện tại, những người mới tuyển có thể được chia thành hai nhóm: những người mắc nợ có địa vị kinh tế xã hội thấp và những người bị kết án tù", Kochev cho biết. "Họ hoặc tham gia vào các ngành kinh tế kém hiệu quả hơn hoặc không tham gia vào thị trường lao động".
"Miễn là việc tuyển quân vẫn nằm trong hai nhóm đó, tác động đến thị trường lao động sẽ là hạn chế", Kochev cho biết, nhưng lưu ý rằng ngay cả khi đó, việc tuyển quân vẫn sẽ gây ra gánh nặng tài chính đáng kể cho các nhà chức trách.
Vào tháng 7, truyền thông Nga đưa tin rằng, những tân binh sẽ nhận được khoản tiền thưởng là 1,9 triệu rúp (tương đương 22.000 USD) nếu họ ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga. Số tiền đó ngang bằng với khoản tiền thưởng mà quân đội Mỹ dành cho tân binh của họ, dao động từ 20.000 đến 50.000 USD.
Nhưng theo các chuyên gia, ngay cả khi tiền không phải là vấn đề, Nga vẫn khó đạt được mục tiêu tuyển quân mà không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của chính mình.
"Việc bỏ thêm 180.000 người ra khỏi thị trường lao động sẽ có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế", nhà kinh tế cấp cao Benjamin Hilgenstock tại Viện Kinh tế Kyiv cho biết.
"Thị trường lao động [Nga] đã cực kỳ eo hẹp với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 2,4% vào tháng 6, về cơ bản là việc làm đầy đủ và mức tăng trưởng tiền lương danh nghĩa hiện nay hơn 15% so với cùng kỳ năm trước", Hilgenstock nói thêm.