Ngoài lá chắn tên lửa - hạt nhân, một trong những con át chủ bài khác của Liên Xô và của cả Hiệp ước Warsaw là các cỗ máy thiết giáp được triển khai tại những đơn vị phía Tây.
Khi đó, khoảng hơn 5.000 xe tăng cùng 10.000 xe vận tải thiết giáp và xe chiến đấu bộ binh đủ khả năng đập tan bức tường phòng thủ của các nước NATO và "xé toạc" quân đội của Khối này trong thời gian ngắn nhất.
Tuy nhiên, sau khi Đông Âu tan rã và Liên Xô sụp đổ thì cách thức giải quyết các nhiệm vụ theo cách tương tự như trên lại không còn là vấn đề cấp thiết đối với Các lực lượng vũ trang Nga.
Những cỗ máy chiến đấu hùng mạnh, từng reo rắc nỗi kinh hoàng cho các kẻ thù của Nga đã trở thành đồ thừa và nằm hoen gỉ dưới mưa tuyết như những "nghĩa địa xe tăng".
Bên cạnh đó, có không ít các khí tài quân sự Liên Xô còn mới nguyên và vừa được đại tu vẫn còn nằm tại các nhà kho bảo quản dài hạn. Chúng bị "tuyên án" tiêu hủy như những đồ vật đã lỗi thời về mặt tinh thần và Nga còn thông qua hẳn một chương trình mục tiêu quốc gia cho vấn đề này.
Chương trình "Tiêu hủy công nghiệp vũ khí và khí tài quân sự giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020" lên kế hoạch tháo dỡ và sau đó tái chế gần 10.000 vũ khí và phương tiện thiết giáp do Liên Xô sản xuất đang chất đống trong các nhà kho. Như quan niệm khi đó, chúng không còn khả năng sử dụng trong tương lai.
Tuy nhiên, diễn biến tình hình trên thế giới và những lời đe dọa công khai nhằm vào Nga đã khiến những kế hoạch này cần có sự điều chỉnh một cách nghiêm túc.
Người đứng đầu Lực lượng tăng thiết giáp Nga, Trung tướng Alexandr Shevchenko từng tuyên bố, liên quan tới những báo động về tình hình quốc tế và gia tăng khối lượng huấn luyện chiến đấu của Quân đội, chỉ còn khoảng 4.000 chiếc xe thiết giáp phải thuộc diện tiêu hủy.
Số còn lại sẽ được nâng cấp, một phần sẽ bàn giao cho Các lực lượng vũ trang Nga, một phần sẽ được xuất khẩu sang các nước đồng minh trong khuôn khổ hợp tác kỹ thuật - quân sự.
Các "cụ già" thiết giáp sẽ được hồi sinh
Trung tướng Alexandr Shevchenko cho biết, trong thời gian đây đã xuất hiện những giải pháp về kỹ thuật và công nghệ liên quan tới việc nâng cấp sâu các khí tài lỗi thời và biến nó thành những mẫu vũ khí hiện đại.
Ví dụ, công ty Muromteplovoz đã nghiên cứu công nghệ nâng cấp đa số các mẫu khí tài thiết giáp hạng nhẹ của Liên Xô như PT-76, BTR-60-70-80, BTR-50 và BMP-1. Còn trên khung sườn xe vận tải bọc thép đa năng hạng nhẹ MTLB, hãng cũng đã chế tạo cả một dòng xe chiến đấu các loại.
Phòng Thiết kế máy chính xác Tula, Tập đoàn Metapol (Nga, Belarus và Slovakia) cũng thể hiện khả năng nâng cấp khí tài của mình bằng việc chuyên nghiên cứu các module chiến đấu cho xe vận tải thiết giáp và xe chiến đấu bộ binh.
Xe thiết giáp BTR-60PB của Nga
Trong quá trình nâng cấp, người ta đã tiến hành thay thế các động cơ chạy xăng sang chạy dầu, tăng công suất của chúng, thay thế các bộ phận chiến đấu và bổ sung vũ khí, trang bị tổ hợp phòng vệ, gồm cả những hệ thống phòng vệ chủ động như "Arena-E" và thậm chí còn lắp đặt cả các module chiến đấu tự động.
Trong nhiều trường hợp, sản phẩm nguyên bản chỉ còn lại lớp thân vỏ và bộ phận chuyển động. Phương pháp này không chỉ giúp tiết kiệm nhiều chi phí và đẩy nhanh quá trình tái trang bị vũ trang mà còn tăng số lượng xe thiết giáp trong các đơn vị.
Bên cạnh đó, đa số các mẫu khí tài nâng cấp đã vượt qua những bài thử nghiệm thực tế tại các cuộc xung đột khu vực và chứng tỏ được sự thành công của phương pháp này. Đó là khí tài hoàn toàn mới, hiện đại với những tính năng chiến đấu được nâng cấp đột phá.
T-80 có thể chạy bằng mọi nhiên liệu
Không chỉ nâng cấp khí tài hạng nhẹ, hiện nay "các xe tăng tấn công phủ đầu" T-80 sẽ được nâng cấp phục vụ Các lực lượng vũ trang Nga.
Đây là những cỗ máy với động cơ tuốc bin khí độc đáo có khả năng đạt được vận tốc tối đa 70km/h từng được chế tạo để xuyên phá các tuyến phòng thủ của NATO.
Động cơ của T-80 có thể chạy bằng mọi nhiên liệu, từ dầu mazut cho tới xăng, có thể tìm được ở bất cứ đâu – tại trạm xăng, nhà ga xe lửa, bến cảng, thậm chí tại sân bay.
Bộ Quốc phòng Nga và Tập đoàn sản xuất - nghiên cứu khoa học Uralvagonzavod đã thiết lập các yêu cầu đối với ngoại hình mới của chiếc xe tăng T-80. Nó sẽ được trang bị lớp giáp mạnh mẽ, hệ thống phòng vệ chủ động, thiết bị ngắm bắn mới, hệ thống tự động theo dõi các mục tiêu cũng như các loại đạn tăng cường sức công phá.
Điều không kém phần quan trọng đó là tiết kiệm nhiên liệu. Được biết, chiếc T-80 chưa nâng cấp ngốn khoảng 8 lít nhiên liệu cho 1km, cao hơn 2 - 4 lần xe tăng T-90. Trong phương án nâng cấp mới, chỉ con số này sẽ giảm đáng kể.
Bản hợp đồng nâng cấp dài hạn đã được ký kết tại Triển lãm "Army-2017". Công ty Omsktransmash sẽ bắt đầu thổi một luồng sinh khí mới cho chiếc xe tăng T-80. Theo ý kiến của các chuyên gia, sẽ có khoảng tối đa 3.500 cỗ máy này được nâng cấp.
Những cỗ máy thiết giáp từng là nỗi kinh hoàng với các đối thủ châu Âu của Nga sẽ trở lại để bảo vệ bờ cõi phía Tây đất nước. Tuyến phòng thủ của Nga sẽ không bao giờ bị động.
Nga thử nghiệm xe tăng T-80 mới trong cuộc Tập trận Zapad 2017