Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) Yuri Borisov cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã chấp thuận tất cả đề xuất của Roscosmos về việc xây dựng Trạm Quỹ đạo của Nga, đồng thời chỉ thị cơ quan chức năng nước này sẵn sàng chuyển sang sản xuất hàng loạt vệ tinh. Quyết định trên nhằm củng cố nền tảng cơ sở của Nga phục vụ kế hoạch không gian tương lai của nước này.
Tháng 4/2021, Nga công bố ý tưởng xây dựng Trạm Quỹ đạo của riêng mình. Hiện nước này đang trong quá trình thiết kế sơ bộ trạm này. Tiếp đó, tháng 10/2022, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công thương Liên bang Nga Denis Manturov thông báo đã tính toán được chi phí sơ bộ để xây dựng Trạm Quỹ đạo như vậy.
Cùng ngày, phát biểu tại sự kiện nhân Ngày Du hành vũ trụ tại Điện Kremlin, Tổng thống Putin đã chỉ thị tăng cường sản xuất vệ tinh nội địa cho nhiều mục đích khác nhau, theo đó cần tập trung sử dụng không gian gần Trái đất. Tổng thống Putin cho biết, Nga có những giải pháp độc đáo trong lĩnh vực quốc phòng, vũ trụ, ngành công nghiệp tên lửa của Nga đang phát huy những tiềm năng. Điều này đã được chứng minh qua thực tế 100 lần phóng tên lửa liên tiếp của Nga gần đây không xảy ra tai nạn.
Tổng thống Nga phê duyệt dự án xây dựng Trạm Quỹ đạo. (Nguồn: AeroTime)
Giám đốc điều hành Roscosmos, ông Yuri Borisov, từng thông báo Nga cần mở rộng nhóm vệ tinh bay trên quỹ đạo của mình lên 1.000 vệ tinh vào năm 2030. Để làm được điều này, Nga cần sản xuất 200 - 250 vệ tinh mỗi năm.
Cũng trong ngày 12/4, ông Borisov đã công bố quyết định gia hạn sứ mệnh của nước này trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Theo đó, sứ mệnh của Nga trên trạm vũ trụ này sẽ kéo dài đến năm 2028, thay vì năm 2024 như thông báo hồi tháng 7/2022.
ISS, bắt đầu được xây dựng vào năm 1998, là tổ hợp phức tạp nhất của con người nhằm nghiên cứu không gian và là biểu tượng hợp tác giữa các cường quốc khoa học. Việc xây dựng ISS được diễn ra vào thời điểm Mỹ và Nga tăng cường hợp tác sau cuộc chạy đua không gian trong Chiến tranh Lạnh. Các đối tác của ISS, gồm Mỹ, Nga, châu Âu, Canada và Nhật Bản, hiện chỉ cam kết vận hành ISS đến năm 2024, mặc dù các quan chức Mỹ tuyên bố muốn tiếp tục đến năm 2030.