Đài CNN hôm 5-4 cho biết Nga cũng đang sử dụng căn cứ quân sự ở Bắc Cực để thử nghiệm vũ khí mới, bao gồm cả ngư lôi hạt nhân Poseidon 2M39.
Hình ảnh vệ tinh do Công ty tình báo vệ tinh thương mại Maxar Technologies (Mỹ) và đài CNN thu được cho thấy Nga đang tân trang lại sân bay thời Liên Xô cũ, bổ sung hệ thống radar và hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển mới.
Trên mạng xã hội Twitter, đài CNN viết: "Hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đang tập trung sức mạnh quân sự chưa từng có ở Bắc Cực, sẵn sàng thử nghiệm "siêu vũ khí" và đảm bảo tuyến đường vận chuyển Biển Bắc quan trọng".
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Thomas Campbell nói với đài CNN: “Nga đang tân trang lại sân bay và hệ thống radar từ thời Liên Xô cũ, xây dựng cảng mới và trung tâm tìm kiếm cứu nạn, đồng thời xây dựng hạm đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân và thông thường. Họ còn mở rộng mạng lưới hệ thống phòng thủ tên lửa ven biển và trên không, tăng cường khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập tại các khu vực quan trọng ở Bắc Cực”.
Ảnh vệ tinh chụp sân bay Nagurskoye hôm 16-3. Ảnh: Maxar Technologies
Ảnh: Maxar Technologies
Theo đài CNN, hình ảnh vệ tinh hôm 16-3 chụp "máy bay chiến đấu đánh chặn MiG31BM 'Fox Bat' tại sân bay Nagurskoye".
Ngoài ra, Moscow được cho là đang phát triển ngư lôi Poseidon 2M39 - "siêu vũ khí" vận hành bằng năng lượng hạt nhân để qua mặt các hệ thống phòng thủ ven biển - giống như của Mỹ - đồng thời phát nổ, tạo ra sóng phóng xạ bắn vào bờ biển của đối phương, gây ô nhiễm trong nhiều thập kỷ.
Ngư lôi tàng hình không người lái này được cung cấp năng lượng bởi một lò phản ứng hạt nhân.
Tháng 11 năm ngoái, ông Christopher A Ford, khi đó là trợ lý ngoại trưởng phụ trách an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân của Mỹ, tiết lộ Poseidon 2M39 có thể "nhấn chìm các thành phố ven biển của Mỹ bằng sóng thần phóng xạ".
Giám đốc Cơ quan tình báo Na Uy, Phó Đô đốc Nils Andreas Stensønes, đánh giá Poseidon 2M39 là một phần của loại vũ khí răn đe hạt nhân mới, đang trong giai đoạn thử nghiệm. Nó là một hệ thống chiến lược và có ảnh hưởng vượt trội.
Phát ngôn viên Campbell cho biết thêm vào tháng 11-2020, Nga tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm Tsirkon. Tsirkon và Poseidon 2M39 là một phần của thế hệ vũ khí mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết hồi năm 2018 để thay đổi cuộc chơi chiến lược.
Cận cảnh máy bay ném bom Tupolev Tu-95 tại sân bay Anadyr. Ảnh: Maxar Technologies
Giới chức quân đội Mỹ ngày càng đưa ra nhiều cảnh báo hơn về hoạt động của Nga ở Bắc Cực. Hồi năm ngoái, cựu tướng không quân Mỹ Terrence J. O’Shaughnessy, khi đó là Tư lệnh Lực lượng phòng thủ Hàng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD), cho biết: “Bắc Cực không còn là một bức tường thành và các đại dương không còn là hào bảo vệ nữa. Chúng là những con đường tiếp cận quê hương (của chúng ta)”.
Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo người Nga đang "thách thức quân sự ở Bắc Cực", bao gồm việc tái trang bị các căn cứ cũ thời chiến tranh lạnh và xây dựng các cơ sở mới trên bán đảo Kola gần TP Murmansk. Điều này có thể giúp Nga mở rộng hoạt động đến Bắc Đại Tây Dương, tạo ra nguy cơ lớn đối với Mỹ và các đồng minh.
Trong khi nỗ lực mở rộng của Nga đang diễn ra trong ranh giới lãnh thổ của nước này, giới chức Mỹ vẫn bày tỏ lo ngại về việc Moscow muốn "khẳng định quyền kiểm soát ở Bắc Cực". Ông Campbell cáo buộc Nga hy vọng biến Tuyến đường biển Bắc (NSR) thành “tuyến vận tải quốc tế chính” để kiểm soát hiệu quả hơn.
Ông Campbell nói: “Các đạo luật của Nga nhằm kiểm soát hoạt động quá cảnh NSR đã vượt quá thẩm quyền của Nga theo luật pháp quốc tế. Họ yêu cầu bất kỳ tàu nào quá cảnh NSR qua các vùng biển quốc tế phải có một hoa tiêu Nga trên tàu để hướng dẫn. Nga cũng đang tìm cách yêu cầu các tàu nước ngoài phải xin phép trước khi vào NSR”.
Theo quan chức này, Nga gần đây đã thành lập lực lượng Cảnh báo phản ứng nhanh tại 2 sân bay ở Bắc Cực - Rogachevo và Anadyr - đồng thời thử nghiệm lực lượng tương tự tại sân bay Nagurskoye hồi năm ngoái.
Một tàu ngầm Delta IV của Nga gần đảo Alexandra hôm 27-3. Ảnh: Maxar Technologies
Hai tuần trước, sau khi con tàu chở hàng Ever Given bị mắc kẹt trong kênh đào Suez, làm gián đoạn lưu thông quốc tế, Công ty hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga đã quảng bá NSR như một tuyến đường chính cho thương mại quốc tế trong tương lai.
Đài CNN bình luận nỗ lực thúc đẩy NSR trở thành tuyến đường thương mại quốc tế mới có thể là một phần trong nỗ lực tổng thể của Nga nhằm thu hút cộng đồng quốc tế mua quyền kiểm soát tuyến đường thương mại của mình.
Trong khi đó, Nga khẳng định họ chỉ muốn thiết lập hòa bình và xây dựng kinh tế. Một tài liệu tháng 3-2020 của các nhà hoạch định chính sách Điện Kremlin chỉ ra rằng Nga tập trung vào việc đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình khu vực; đảm bảo mức sống cao, tăng trưởng kinh tế trong khu vực; phát triển nguồn tài nguyên. Và Moscow xem NSR là "hành lang giao thông quốc gia cạnh tranh toàn cầu".