Nhân viên làm việc tại nhà máy bán dẫn Bosch ở Dresden, Đức. Ảnh: Getty
Nga hạn chế sản xuất khí hiếm
Hãng tin RT (Nga) đưa tin, Nga đã hạn chế xuất khẩu khí hiếm, bao gồm cả neon, như một đòn ăn miếng trả miếng đối với vòng trừng phạt thứ 5 mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt với Nga hồi tháng 4 vừa qua.
Quyết định được công bố hôm thứ Ba (31/5) nêu rõ, đến hết ngày 31/12 năm nay, việc xuất khẩu khí hiếm và các loại khác, sẽ do chính phủ Nga phê duyệt, dựa trên khuyến nghị của Bộ Công Thương Nga.
Khí trơ hoặc khí hiếm, như neon, argon, xenon và các loại khác, đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất chất bán dẫn. Chất bán dẫn được sử dụng để tạo ra các vi mạch (chíp) cần thiết cho các thiết bị, ô tô và thiết bị gia dụng.
Vào tháng 4, lệnh cấm xuất khẩu chất bán dẫn, máy móc và thiết bị khác trị giá 10 tỷ euro sang Nga là một phần nội dung của gói trừng phạt thứ 5.
Theo tờ Izvestia, động thái đáp trả của Nga ám chỉ, Moscow muốn nhắc nhở các quốc gia mà nước này liệt vào danh sách những quốc gia "không thân thiện" rằng, họ cũng phụ thuộc vào xuất khẩu chất bán dẫn của Nga. Nga cung cấp tới 30% lượng neon tiêu thụ trên toàn cầu.
Sự thiếu hụt toàn cầu về chất bán dẫn bắt đầu xảy ra từ đầu đại dịch Covid-19 do chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất bị tạm ngừng. Xung đột ở Ukraine càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Ukraine, nước xuất khẩu neon lớn, đã ngừng cung cấp loại khí hiếm này cho thị trường toàn cầu, khiến giá tăng chóng mặt. Trung Quốc và Nhật Bản là những nhà sản xuất khí hiếm lớn khác, nhưng nguồn cung của họ chủ yếu được tiêu thụ trong nước.
Phát biểu vào ngày 2/6, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga Vasily Shpak nói động thái này sẽ tạo cơ hội "sắp xếp lại những chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị phá vỡ và tạo ra những chuỗi cung ứng mới".
Theo các chuyên gia, điều đó có thể rất nhạy cảm đối với các đối tác hợp tác của Nga và đối tác của các nhà máy sản xuất chất bán dẫn nước này. Quyết định được thông qua mang lại cho Nga cơ hội có cách tiếp cận mang tính xây dựng và thực dụng trong việc cung cấp cho Nga các sản phẩm bán dẫn thiết yếu dựa vào các nhà sản xuất nước ngoài.
Toàn cầu đang đối mặt với tình trạng thiếu con chíp. Ảnh: Shutterstock
Sự thiếu hụt chip toàn cầu nghiêm trọng thế nào?
Các nhà phân tích chỉ ra rằng hạn chế xuất khẩu khí hiếm của Nga có thể làm trầm trọng thêm những hạn chế về nguồn cung trên thị trường chất bán dẫn toàn cầu. Thực tế, tình trạng "khan hàng" đã kéo dài hai năm, tình hình không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng khiến giá chất bán dẫn tăng chóng mặt.
The National Business Daily (Trung Quốc) dẫn lời Giám đốc điều hành ASML Peter Wennink tiết lộ, do khan hiếm chất bán dẫn, một số công ty sản xuất lớn đã phải mua máy giặt cũ, sau đó phá máy để lấy chíp bên trong. Tuy nhiên, theo ông Wennink "điều này không quá hiếm thấy" trong hoàn cảnh hiện tại.
Việc thiếu chíp không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất, điều khó khăn hơn là giá chíp liên tục tăng. Theo một báo cáo của CCTV News vào đầu tháng 4 năm nay, trong năm 2021 vừa qua, giá chíp toàn cầu đã tăng chóng mặt, phổ biến tăng gấp 5 lần, thậm chí 10 lần, thậm chí là không có hàng để bán.
Ví dụ, do tình trạng thiếu chíp ô tô trên toàn cầu, giá của STL9369, chip lõi của hệ thống ổn định thân xe điện tử do STMicroelectronics sản xuất, đã tăng vọt từ 20 nhân dân tệ lên 2.800 nhân dân tệ, tăng hơn 100 lần so với cùng kỳ năm ngoái. lần.
Ngày 24/3, STMicroelectronics một lần nữa gửi thông báo tăng giá cho các nhà phân phối, cho biết sẽ tăng giá trở lại tất cả các dòng sản phẩm trong quý II/2022, bao gồm cả các sản phẩm tồn kho hiện có. Điều đáng chú ý là lần tăng giá này không phải là lần tăng giá đầu tiên của các nhà sản xuất chất bán dẫn trong năm nay.
Nguyên nhân là ngoài năng lực sản xuất không đủ, nguồn nguyên liệu đầu vào và nhu cầu cung cầu mất cân đối thì các yếu tố khách quan như động đất ở Nhật Bản, các nhà máy ngừng hoạt động do đợt lạnh ở Texas, dịch bệnh bùng phát ở Indonesia và châu Âu cùng những thay đổi của tình hình quốc tế là những nguyên nhân quan trọng tác động tình trạng thiết hụt con chíp hiện nay.
Sự thiếu hụt toàn cầu chưa từng có này đã khiến con chip, loại linh kiện nhỏ gọn vốn nằm im trong điện thoại di động, máy tính, ô tô lọt vào tầm ngắm của công chúng, ảnh hưởng đến 169 ngành công nghiệp như sản xuất điều hòa, sản xuất xà phòng, trở thành nhân tố quan trọng níu kéo sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc chiến năng lượng EU-Nga đang lan dần sang các lĩnh vực khác. Ảnh: FT
Cuộc khủng hoảng con chip có thể trở nên trầm trọng hơn
Tờ ChinaFund (Trung Quốc) cho rằng, để đối phó với cuộc khủng hoảng thiếu chip, nhiều quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Đức và Mỹ, đã đưa ra hoặc xây dựng các chính sách mới, nhằm tăng cường đảm bảo cho ngành sản xuất chípvà bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt trong ngành.
Tuy nhiên, mặc dù nhiều quốc gia và ngành công nghiệp đang đẩy mạnh nỗ lực sản xuất chíp nhưng hiệu lực của chính sách và việc thành lập dây chuyền sản xuất cần một thời gian dài. Trong ngắn hạn, tình trạng "thiếu chíp" có thể khó hạ nhiệt và sự phát triển của nhiều ngành sản xuất khác phải đối mặt với những thách thức lớn hơn.
Bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là ngành công nghiệp ô tô, các công ty ô tô toàn cầu lo ngại năng lực sản xuất của họ không thể đảm bảo, các báo cáo tài chính và dữ liệu mới nhất cũng xác nhận ản hưởng này.
Vào ngày 11/5, tập đoàn Toyota cho biết lợi nhuận ròng quý IV đã giảm 31% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến lợi nhuận trong năm tài chính mới sẽ tiếp tục giảm do chi phí cao hơn. Toyota cho biết họ đã cắt giảm mục tiêu sản xuất toàn cầu trong tháng 6 khoảng 100.000 xe do tình trạng thiếu chíp.
Hiện tại, chu kỳ cung cấp chíp trở lại bình thường là không khả quan. Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger nói rằng trước đây ông dự đoán tình trạng thiếu chíp toàn cầu sẽ kéo dài cho đến năm 2023 và giờ đây ông nghĩ rằng, tình trạng khan hiếm sẽ kéo dài hơn khi các nhà sản xuất chíp vật lộn để mua đủ thiết bị sản xuất và tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu.
Một số giám đốc điều hành ngành công nghiệp chíp cho biết, tình trạng thiếu chíp sẽ tiếp tục cho đến năm 2023, khi một số nhu cầu về chíp của khách hàng mới có thể được đáp ứng đầy đủ.
Theo hãng tin AFP, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã cảnh báo vào ngày 31/5 rằng tình trạng thiếu chíp trên toàn cầu có khả năng tiếp tục kéo dài trong suốt năm 2023, thậm chí có thể lâu hơn.
Bà Raimondo cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng thiếu chíp sẽ giảm đáng kể trong năm tới. Quan chức Mỹ nói thêm, trong chuyến thăm Hàn Quốc, bà đã nói chuyện với các nhà sản xuất chíp hàng đầu về tình trạng thiếu chíp, tất cả đều tin rằng tình trạng này sẽ không thuyên giảm cho đến ít nhất là cuối năm 2023 hoặc thậm chí đầu năm 2024.
Bộ trưởng Mỹ cũng tiếp tục kêu gọi quốc hội Mỹ hành động nhanh chóng để hỗ trợ cho các đạo luật nhằm thúc đẩy ngành sản xuất chíp ở Mỹ. Bà cho biết các quốc gia khác đã đưa ra các chương trình trợ cấp và nếu quốc hội không nhanh chóng hành động, các nhà sản xuất chíp lớn như Intel, Samsung và Micron có thể sẽ chọn mở rộng hoạt động ra bên Mỹ, điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.