Binh sĩ Lữ đoàn Không quân số 173 của Quân đội Mỹ tại một căn cứ không quân của Ba Lan. Ảnh tư liệu: Getty Images.
Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này Alexander Grushko nêu rõ: "Những bước đi mang tính phá hoại khiến căng thẳng quân sự gia tăng và làm giảm cơ hội đạt được những quyết sách chính trị".
Trước đó, một quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chính thức thông qua quyết định cho phép quân đội nước này triển khai thêm lực lượng tới Đông Âu do sự đối đầu với Nga liên quan tới vấn đề Ukraine.
Trong thông báo chính thức sau đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định số binh sĩ trên sẽ không tham chiến ở Ukraine mà chỉ thực thi nhiệm vụ bảo vệ các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
"Đây không phải là lệnh điều chuyển lâu dài mà chỉ nhằm phản ứng trước môi trường an ninh hiện tại và đảm bảo khả năng phòng thủ mạnh mẽ của các đồng minh NATO", ông Kirby nêu rõ.
Dự kiến, Mỹ sẽ sớm triển khai 1.000 binh sĩ tới Romania theo đề nghị của chính phủ nước này và 2.000 binh sĩ tới Ba Lan và Đức. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không loại trừ khả năng có thể sẽ tăng thêm quân tới Đông Âu trong những ngày và tuần sắp tới.
Đáng chú ý là tất cả các đợt triển khai này tách biệt với việc Mỹ đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng báo động kể từ cuối tháng 1.
Theo tờ Wall Street Journal, các binh sĩ Mỹ sẽ xuất phát từ căn cứ Fort Bragg thuộc bang North Carolina và có khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ sẽ được điều chuyển từ Đức đến Romania nhưng hiện chưa rõ đây có phải là con số mà Lầu Năm Góc công bố ở trên hay không.
Trước đó trong tuần này, Lầu Năm Góc cho biết hoạt động điều chuyển lực lượng Mỹ có thể tiến hành bên trong châu Âu.