Nga phá vỡ sự bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây như thế nào?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Ngày 31/5/2022, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tiến hành chuyến công du tới Ả Rập Saudi.

Trước đó, vào tháng 5/2022, ông S. Lavrov đã thăm Algeria, Oman và Bahrain.

Tại Riyadh, ông S. Lavrov đã tham gia cuộc "Đối thoại chiến lược giữa Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh - GCC" và Liên bang Nga lần thứ năm", đồng thời có các cuộc gặp song phương với các đồng nghiệp Ả Rập Saudi, Qatar, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Ông cũng đã có cuộc gặp riêng với Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) Hussein Ibrahim Taha.

Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm sáu quốc gia: Bahrain, Ả Rập Saudi, Qatar, Kuwait, UAE và Oman, sản xuất khoảng 25% tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu.

Chuyến công du này nằm trong các hoạt động của Nga nhằm tăng cường quan hệ với các nước Trung Đông và châu Phi trong bối cảnh mới.

Bối cảnh chuyến thăm

Ngày 30-31/5/2022, hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 thành viên nhóm họp tại Brussels, đã quyết định áp đặt một gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga.

Điều nổi bật nhất trong gói trừng phạt này là cắt giảm 90% nhập khẩu dầu của Nga sang EU vào cuối năm nay.

Ngày 31/5/2022, các nước xuất khẩu dẩu mỏ (OPEC) và các đối tác (còn gọi là OPEC+) họp tại Vienna xem xét việc gia tăng sản lượng và đình chỉ Nga trong nhóm OPEC+ do các lệnh trừng phạt của phương Tây chống Nga. Việc loại Nga ra khỏi OPEC+ có thể mở đường cho Ả Rập Saudi, UAE và các thành viên OPEC khác tăng sản lượng, đáp ứng các yêu cầu của Mỹ và châu Âu.

Nga phá vỡ sự bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây như thế nào? - Ảnh 1.

Ngay sau khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine tháng 2/2022, Mỹ đã nhiều lần gây sức ép và tìm cách thuyết phục các nước Ả Rập xem xét lại quan hệ của họ với Moscow. Đặc biệt, Washington đã đề nghị các nước GCC tăng mạnh sản lượng dầu để thay thể nguồn cung cấp của Nga cho châu Âu. Để thực hiện mục tiêu này, Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch thăm các nước vùng Vịnh vào cuối tháng 6/2022.

Các quốc gia vùng Vịnh đang đứng trước nguy cơ thiếu lương thực do nguồn cung cấp từ Nga và Ukraine bị gián đoạn. Các nước này nhập khẩu khoảng 80-90% lương thực, Ả Rập Saudi đứng thứ hai thế giới về nhập khẩu lúa mỳ và Nga là nhà cung cấp lớn thứ năm cho Vương quốc này.

Các khách hàng chính ở vùng Vịnh mua ngũ cốc của Nga là Oman và UAE. Theo Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO), Oman nhập khẩu 65,4% nhu cầu lúa mì từ Nga và khoảng 4% từ Ukraine. Trong khi đó, UAE nhập khẩu 53,3% lúa mì từ Nga và khoảng 0,9% từ Ukraine.

Kết quả cuộc đối thoại chiến lược GCC - Nga

Ngoại trưởng S. Lavrov cho biết, "Đối thoại chiến lược GCC - Nga" đã thảo luận nhiều vấn đề của khu vực gồm việc Syria quay trở lại Liên đoàn Ả Rập (AL), cuộc xung đột Yemen và vai trò của Iran tại khu vực, cuộc xung đột Israel - Palestine, tình hình Ukraine... Tuy nhiên, chủ đề chính của các cuộc thảo luận của Ngoại trưởng Nga với các đồng nghiệp vùng Vịnh là cuộc họp OPEC+ gồm 13 nước xuất khẩu dầu mỏ của OPEC và 10 quốc gia sản xuất dầu mỏ khác, trong đó có Nga.

Nga phá vỡ sự bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây như thế nào? - Ảnh 2.

Cuộc họp đã tập trung thảo luận sự phối hợp chính sách dầu mỏ giữa các nước thành viên GCC và Nga, tìm cách giải quyết vấn đề lương thực do cuộc chiến ở Ukraine dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng và giá cả tăng vọt. Ngoài ra, vấn đề liên quan đến mong muốn của một số nước, đặc biệt là Ả Rập Saudi tham gia khối các nền kinh tế mới nổi BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi cũng đã được xem xét.

Bất chấp áp lực mạnh mẽ của Mỹ và châu Âu, các nước GCC vẫn từ chối tham gia lệnh cấm vận đối với dầu khí của Nga và cam kết tôn trọng các thỏa thuận đã ký với Nga trong khuôn khổ OPEC+.

Các nước Ả Rập khẳng định không ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow và tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ với Nga. Đặc biệt, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman tuyên bố ủng hộ giữ lại tư cách thành viên của Moscow trong nhóm OPEC+. Đến nay, phương Tây vẫn không tìm được nguồn cung cấp thay thế cho năng lượng của Nga.

Trước sức ép nền kinh tế toàn cầu đang phải chịu giá năng lượng tăng cao, trong một động thái thoả hiệp, ngày 2/6/2022, 13 thành viên OPEC và nhóm OPEC+ đã quyết định sẽ tăng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 tới so với mức tăng hàng tháng khoảng 432.000 thùng/ngày theo kế hoạch trước đó.

Nga phá vỡ sự bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây như thế nào? - Ảnh 3.

Việc tăng thêm 216.000 thùng/ngày không đáng kể so với mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu khoảng 100 triệu thùng/ngày. Quyết định này mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là để bù đắp lại sự thiếu hụt do cấm vận dầu mỏ của Nga.

Một báo cáo gần đây của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo rằng, khả năng gián đoạn thu hoạch và xuất khẩu ở Ukraine cùng với các lệnh trừng phạt chống Nga sẽ dẫn đến việc cắt giảm nguồn cung cấp lương thực trên toàn cầu. Điều đó có thể khiến giá lương thực trên thế giới tăng 8-22%.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, Ngoại trưởng S. Lavrov tuyên bố Nga sẵn sàng cung cấp ngũ cốc cho các nước GCC và cho phép các tàu chở ngũ cốc rời các cảng của Ukraine và quân đội Nga sẽ đảm bảo an toàn cho các tàu chở ngũ cốc của Ukraine đi qua khu vực Biển Đen và Địa Trung Hải.

Nga phá vỡ sự bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây như thế nào? - Ảnh 4.

Về nguyện vọng Ả Rập Saudi gia nhập nhóm BRICS, Ngoại trưởng S. Lavrov khẳng định với người đồng cấp Faisal bin Farhan al Saud, Ả Rập Saudi sẽ không gặp khó khăn. Moscow và Bắc Kinh chắc chắn sẽ ủng Ả Rập Saudi gia nhập tổ chức này cùng với Argentina trong cuộc họp sắp tới. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng ủng hộ việc mở rộng BRICS và tạo cơ chế thích hợp cho sự gia nhập của các thành viên mới.

Trong cuộc gặp với Tổng thư ký GCC Nayef Al-Hajraf, hai bên đã nhất trí phối hợp công việc nhằm thông qua sớm nhất Kế hoạch hành động chung giữa Nga và GCC đến năm 2025.

Các nước vùng Vịnh tiếp tục tăng cường quan hệ với Nga

Bất chấp Mỹ và phương Tây gây sức ép, các nước GCC vẫn khẳng định Nga là đối tác quan trọng. Ả Rập Saudi và UAE, hai quốc gia có ảnh hưởng nhất trong GCC vẫn giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột Ukraine và phát triển quan hệ với Nga, coi Nga đối tác chiến lược quan trọng có đồng quan điểm trong nhiều vấn đề khu vực cũng như quốc tế. Hai nước này cũng đang bày tỏ sự bất bình ngày càng tăng với các quyết sách của Mỹ.

Trong khi Mỹ và phương Tây tìm mọi cách để cô lập Nga, thì Abu Dhabi và Ryadh tuyên bố, không vì Ukraine mà làm phương hại tới quan hệ với Moscow. Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken trong cuộc điện đàm với người đồng cấp UAE Mohammed bin Zayed nêu rõ tầm quan trọng của việc đưa ra phản ứng quốc tế cứng rắn đối với Nga, nhưng ngày 25/2/2022, UAE vẫn bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết lên án Nga của Hội đồng Bảo an.

Các nước khác trong GCC bỏ phiếu thuận tại Đại hội đồng cho một nghị quyết không lợi cho Nga, nhưng không mang tính ràng buộc. UAE cho rằng, "việc chọn bên sẽ chỉ dẫn đến bạo lực nhiều hơn, ưu tiên của UAE là thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột."

Các nước vùng Vịnh ngày càng tỏ ra bất mãn đối với chính sách của chính quyền J. Biden. Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống, ông J. Biden đã loại người Houthi ở Yemen ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.

Đặc biệt, Mỹ đã không lên án các vụ phóng tên lửa đạn đạo của người Houthi Yemen nhằm vào Ả Rập Saudi và UAE trong những tháng gần đây. Trong khi đó, ngày 28/2/2022, Nga đã ủng hộ nghị quyết do UAE đề xuất về việc mở rộng lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với phong trào này.

Trong cuộc xung đột Israel - Palestine, Washington đã thiên vị, đứng về phía Israel, đưa ra "Thoả thuận thế kỷ" nhằm xoá bỏ vấn đề Palestine. Trong khi đó, Nga tuyên bố ủng hộ một giải pháp công bằng cho cuộc xung đột trên cơ sở các nghị quyết của HĐBA/LHQ và sáng kiến hoà bình Ả Rập năm 2002.

Ngoài ra, các nước GCC và Moscow có lợi ích chung trong việc chống lại áp lực của Mỹ và phương Tây nhằm tăng sản lượng dầu để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung cấp từ Nga và giảm giá dầu. Ả Rập Saudi khẳng định tiếp tục tăng cường quan hệ với Nga nhằm duy trì sự ổn định và cân bằng trên thị trường dầu mỏ, cũng như cam kết tôn trọng các thỏa thuận của nhóm OPEC+, bao gồm 23 nước xuất khẩu dầu mỏ bao gồm cả Nga.

Ngoài dầu mỏ và ngũ cốc, các nước vùng Vịnh còn hợp tác với Nga trong lĩnh vực quốc phòng. Ả Rập Saudi là nước mua vũ khí lớn nhất thế giới. Tháng 8/2021, tại diễn đàn "Army-2021", Thứ trưởng Quốc phòng Ả Rập Saudi Khalid bin Salman đã ký một thỏa thuận với Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin, nhằm phát triển hợp tác quân sự chung giữa hai nước. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi tháng 1/2021, Mỹ ban hành lệnh cấm vận vũ khí Ả Rập Saudi và UAE do các hành động quân sự của họ ở Yemen và các vi phạm nhân quyền.

Nguyên nhân chính của việc Ả Rập Saudi và UAE thay đổi quan điểm trong quan hệ với Mỹ là khủng hoảng lòng tin. Thái tử Mohammed bin Salman tỏ ra hết sức bất bình về việc Tổng thống J. Biden công bố các tài liệu mật cho rằng có sự tham gia của các quan chức Ả Rập Saudi vào vụ khủng bố 11/9/2001.

Nga phá vỡ sự bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây như thế nào? - Ảnh 5.

Nhiều người Mỹ vẫn cho rằng chính quyền Ả Rập Saudi đã tham gia vào vụ khủng bố và đã đệ đơn kiện chính phủ Ả Rập Saudi lên Toà án liên bang. Gần đây nhất, ông J. Biden đã cáo buộc Thái tử tham gia vào vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018.

Một cử chỉ để tỏ sự bất bình này là lãnh đạo Ả Rập Saudi và UAE đã từ chối trả lời điện thoại của Tổng thống Mỹ J. Biden đầu tháng 3/2022 sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Có thể nói, kết quả chuyến công du các nước Trung Đông và vùng Vịnh của Ngoại trưởng S. Lavrov cho thấy ngoại giao Nga đã thành công tại khu vực quan trọng này. Chuyến thăm Ả Rập Saudi và cuộc cuộc "Đối thoại chiến lược Nga - GCC" tại Ryadh không chỉ góp phần phá vỡ sự bao vây, cấm vận, cô lập Nga, mà còn làm thay đổi các liên minh chiến lược có lợi cho cả các nước GCC và Moscow.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại