Theo tạp chí Forbes, thời gian gần đây, Mỹ ngày càng cho thấy chủ trương của nước này trong việc gia tăng các hoạt động quân sự với đồng minh trong khu vực Biển Đen.
Bằng chứng là hàng loạt các cuộc tập trận hải quân và thao diễn quân sự trên vùng biển giáp biên giới Nga.
Lý giải hành động này, Washington cho rằng các quốc gia có chung biên giới với Nga đều thể hiện nhu cầu cần thiết về việc được bảo vệ trước "mối đe dọa tiềm tàng từ Moscow".
Các nước Phương Tây đều biết rất rõ, rằng từ hàng trăm năm qua Nga luôn xem vị thế ở Biển Đen là một trong những khâu bảo đảm quan trọng nhất cho an ninh quốc gia.
Trong tương quan này, không có gì đáng ngạc nhiên khi những năm gần đây Moscow tập trung nhiều nguồn lực nhằm đưa các Hạm đội hải quân của nước này trở lại vị thế vốn có.
Kể từ thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, hệ thống bảo vệ Biển Đen đã được củng cố rõ rệt với sự hỗ trợ của các tổ hợp tên lửa siêu thanh chống hạm tầm xa 600 km, các máy bay quân sự tiên tiến, cũng như tàu nổi và tàu ngầm.
Những khả năng ưu việt của Hạm đội Nga đã hạn chế những hành động của Mỹ và NATO ở Biển Đen, đòi hỏi ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ phải tăng chi phí cho trang thiết bị quân sự.
Thậm chí những con tàu tuần tra cỡ nhỏ của Nga hiện nay cũng đủ sức giáng đòn tấn công vào các chiến hạm của Hải quân phương Tây bằng việc sử dụng tên lửa hành trình Kalibr và các đầu đạn có điều hướng chính xác.