Tuy nhiên, các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 và S-300VM3 đang triển khai tại Tartus và Khmeimin không nằm trong chương trình rút quân.
Động thái trên của Moscow rõ ràng ấn chứa nhiều thông điệp. S-400 và S-300VM3 không phải là vũ khí phòng thủ thông thường, mà với tầm bao phủ và giám sát rộng tới hơn 600km, nó có thể đóng vai trò như vũ khí răn đe đối với các thế lực thù địch.
Có thể nói S-400 và S-300VM3 của Nga tại Syria sẽ như điểm chốt chặn phòng ngừa mọi biến cố có thể xảy ra, cũng như khẳng định sự hiện diện lâu dài của Moscow tại Syria trong thời gian sắp tới.
Các tổ hợp phòng không Nga triển khai ở Syria.
"Quân tử phòng thân"…
Dù cuộc nội chiến Syria đang dần đi vào hồi kết và nguy cơ can thiệp quân sự, cụ thể là các đợt không kích chớp nhoáng của Mỹ và liên quân vào Syria, không còn là mối nguy cơ hiện hữu, nhưng Nga có lý do để tiếp tục duy trì các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 và S-300VM3 tại căn cứ Tartus và Khmeimim.
Xét về mặt chiến lược, các tổ hợp tên lửa phòng không Nga triển khai tại Syria là một phần trong trận địa phòng thủ liên hoàn không chỉ đóng vai trò phòng thủ cho các căn cứ quân sự Nga tại Syria, mà còn là giám sát toàn bộ khu vực bờ Đông Địa Trung Hải, cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ và NATO trong khu vực.
Nếu nói các đơn vị chiến hạm, chiến đấu cơ của Nga tại Syria là thanh kiếm, thì S-400 chính là chiếc khiên và thậm chí còn hơn thế nữa!
Với tầm giám sát tới 600km, tầm bắn tới 400km, S-400 khi triển khai tại Syria gần như giám sát hoàn toàn khu vực phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ với căn cứ Incirlik, cũng như các căn cứ quân sự khác của Mỹ và NATO tại Cận Đông và Địa Trung Hải. Điều này tạo ra sức mạnh răn đe rất lớn đối với Mỹ và NATO.
Một vấn đề nữa cần tính tới là tình hình Syria dù đang dần đi vào quỹ đạo ổn định, nhưng với đặc biệt phức tạp về sắc tộc và tôn giáo, cũng như quyền lợi đan xen của nhiều nước tại quốc gia Cận Đông này, rất khó có thể nói có khả năng xảy ra biến cố quân sự hay không.
Thực tế đã chứng minh, chính các tổ hợp S-400 và S-300VM3 của Nga dù không tham chiến trực tiếp chống lại đợt không kích của Mỹ- liên quân nhằm vào Syria hồi tháng 4/2018, nhưng chính là các thành phần quan trọng giúp xác định sớm và chỉ thị mục tiêu giúp hệ thống PK Syria làm nên điều thần kỳ, ngăn chặn được hơn 50% tên lửa "mới, đẹp và thông minh".
Và nếu Nga rút S-400 về nước, sẽ không có "điều thần kỳ" xảy ra trong trường hợp Syria bị không kích quy mô lớn. Tình huống đó thật đúng với câu "nước xa không cứu được lửa gần" và Nga chắc chắn đã tính tới kịch bản này. Chính vì thế, S-400 và S-300VM3 sẽ tiếp tục…yên vị tại Syria.
Bên cạnh những lý do trên, với việc tiếp tục duy trì các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại của mình tại Syria, Nga đang gửi đi một thông điệp…
Nga công bố bằng chứng bắn hạ và bắt sống tên lửa Tomahawk và tên lửa hành trình khác của Mỹ và liên quân tại Syria.
Nga sẽ hiện diện lâu dài ở Syria!
Cả Nga và NATO đều hiểu giá trị và vai trò của S-400, S-300VM3 Nga triển khai tại Syria. Việc Nga triển khai được S-400 tới Syria cũng không dễ dàng, nếu không có sự kiện máy bay Su-24M2 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi.
Và khi S-400 đã ở Syria, giá trị của chúng không chỉ nằm ở khả năng chiến đấu, mà còn là sự hiện hữu quân sự của Nga tại khu vực Cận Đông.
Không giống như các loại vũ khí thông thường Nga có thể triển khai và thu hồi tại Syria khi cần, S-400 mang giá trị hoàn toàn khác. Tại Syria, tên lửa phòng không S-400 vừa là vũ khí phòng thủ, vừa là vũ khí có đủ năng lực để răn đe, lại vừa có khả năng quảng bá về năng lực chiến đấu thực tế vượt trội so với các sản phẩm cùng loại của Mỹ và phương Tây.
Tên lửa phòng không Syria đánh trả đòn tập kích bằng tên lửa hành trình của Mỹ và liên quân hôm 14/04/2018.
Còn xét về mặt sâu xa hơn, S-400 giống như điểm chốt chặn chiến lược khẳng định sự hiện diện lâu dài của Nga tại Syria.
Điều này càng được khẳng định qua tuyên bố tái lập lại Hạm đội 5 hay Hạm đội Địa Trung Hải của Nga mới đây. Sau tuyên bố này, mọi con mắt lại đổ dồn về Syria.
Còn nơi nào khác đang hội tụ đủ các yếu tố về cơ sở vật chất, con người và trang bị quân sự phù hợp để đặt đại bản doanh của Hạm đội 5 phù hợp hơn Syria.
Xét về mặt tổng thể, Nga đã có những bước đi rất bài bản ở Syria và việc triển khai được S-400 tới quốc gia Cận Đông này chính là một mắt xích rất quan trọng.
Vậy liệu Nga có tự phá đi thế cờ của mình đã dày công xây dựng ở Syria với việc rút S-400 về nước. Câu trả lời rõ ràng là không!
Câu chuyện về S-400 và hiện diện lâu dài ở Syria rõ ràng chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược tạo dựng ảnh hưởng và vị thế của Nga tại Trung Đông.
Tên lửa phòng không S-400, gồm cả radar cảnh giới nhìn vòng tầm siêu xa 91N6E và tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 Nga triển khai ở Khmeimim, Syria.