Nga nổi giận với đòn phũ phàng của Ukraine

Kiệt Linh |

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã cam kết sẽ ra lệnh cho Lực lượng Biên phòng cấm không cho công dân Nga vào Ukraine để tham gia phái đoàn của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) giám sát cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 31/3 tới ở Ukraine.

"Với tư cách là Tổng Tư lệnh, tôi sẽ ra lệnh cho lực lượng biên phòng không được phép cho các công dân của Nga là thành viên của phái đoàn giám sát OSCE đi vào Ukraine “, Tổng thống Poroshenko phát biểu như vậy với hãng tin ICTV.

Ngày 4/2, Quốc hội Ukraine - Verkhovna Rada đã đưa ra một dự luật cấm các đại diện của Nga tham gia vào các phái đoàn giám sát quốc tế tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội của Ukraine.

Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin trước đó đã nói rằng, Kiev sẽ không để cho người dân Nga giám sát cuộc bầu cử của Ukraine.

Ông Klimkin đã gửi một bức thư về vấn đề này đến Giám đốc Văn phòng các Thể chế Dân chủ và Nhân quyền của OSCE (ODIHR) Ingibjorg Solrun Gisladottir. Văn phòng này đã hồi đáp lại rằng, họ sẽ hành động phù hợp theo các tiêu chuẩn và nguyên tắc được đưa ra trong các quy định của OSCE về hoạt động giám sát bầu cử.

Nga trước đó tuyên bố nước này sẵn sàng cử các quan sát viên đến Ukraine và mong đợi giới lãnh đạo Ukraine cho phép người Nga tham gia giám sát cuộc bầu cử với tư cách là thành viên của phái đoàn OSCE.

Về phần mình, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga cho biết, họ đã gửi đến Bộ Ngoại giao Nga danh sách các chuyên gia có thể giám sát cuộc bầu cử ở Ukraine như một phần phái đoàn của OSCE. Cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 31/3.

Việc Kiev không cho phép các quan sát viên của Nga vào Ukraine tham gia giám sát bầu cử chắc chắn sẽ khiến Moscow tức giận và đẩy quan hệ Nga-Ukraine lún sâu hơn nữa vào căng thẳng và khủng hoảng.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013.

Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga.

Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.

Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt mấy năm qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.

Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang chóng mặt sau khi xảy ra vụ lực lượng Nga nổ súng vào các tàu của Ukraine và sau đó là bắt giữ ba tàu cùng 24 thủy thủ trên tàu của Ukraine hôm 25/11/2018. Nga tin rằng, mọi việc diễn ra trong những ngày vừa qua là “sự dàn dựng” nhằm giúp ông Poroshenko tăng uy tín trước thềm cuộc bầu cử sắp tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại