"Chúng tôi kêu gọi đồng nghiệp Mỹ và Anh nêu cao tính chuyên nghiệp, dừng chiến dịch thông tin làm mất uy tín các hoạt động không gian của Nga cũng như các sáng kiến ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian do Nga đưa ra", Bộ Ngoại giao Nga ngày 24/7 ra thông cáo, AP đưa tin.
Bình luận của Nga được đưa ra sau khi Tư lệnh Lực lượng Vũ trụ Mỹ John Raymond ngày 23/7 bất ngờ cáo buộc vệ tinh Cosmos 2543 của Nga trên quỹ đạo đã phóng thử một vật thể có khả năng phá hủy vệ tinh đối phương. Phát biểu của Mỹ được phía Anh hậu thuẫn.
Tuy nhiên, trong thông cáo, Nga bác bỏ cáo buộc này, khẳng định mọi hoạt động trong không gian của Nga "không đe dọa các thiết bị không gian khác và quan trọng nhất là không vi phạm bất kỳ quy tắc hay nguyên tắc nào của luật pháp quốc tế". Moscow đồng thời cáo buộc chính Mỹ và Anh mới là những quốc gia phát triển vũ khí diệt vệ tinh.
Theo truyền thông Mỹ, tháng 11/2019, Nga đã phóng vệ tinh Cosmos 2542 lên quỹ đạo. Hơn 10 ngày sau, Cosmos 2542 tách khỏi thân một vệ tinh con, được định danh là Cosmos 2543. Tiếp đó, Cosmos 2543 di chuyển về phía một vệ tinh khác của Nga trên quỹ đạo, nhưng cũng gần vệ tinh do thám USA-245 của Mỹ.
Đến ngày 15/7, phía Mỹ nói rằng họ phát hiện Cosmos 2543 đã phóng một vật thể có tốc độ 200m/s, tạm định danh là "vật thể E", nhưng không trúng bất cứ thứ gì trên không gian. Kích thước, hình dạng của "vật thể E" chưa được làm rõ, nhưng Mỹ cho rằng nó có nhiệm vụ phá hủy vệ tinh khác.
Truyền thông Mỹ mô tả các hình thức một vệ tinh có thể phá hủy một vệ tinh khác như dùng sóng điện từ cường độ cao, gây nhiễu radio, dùng tia laser, phun chất hóa học, dùng cơ chế tự sát hoặc dùng cánh tay robot để phá hủy.
Trong phát biểu thể hiện ủng hộ Mỹ, Phó thống chế Không quân Anh Harvey Smyth khẳng định Nga đã phóng một tên lửa với nhiều đặc điểm của một loại vũ khí vào ngày 15/7. "Chúng tôi kêu gọi Nga tránh tiến hành các cuộc thử nghiệm như vậy", ông Harvey Smyth nêu.
Từ phía Bộ Quốc phòng Nga, bình luận về sự kiện ngày 15/7, cơ quan này thông báo đã tiến hành hoạt động "giám sát các vệ tinh của Nga bằng một thiết bị đặc biệt". Bộ Quốc phòng Nga khẳng định "đã cung cấp thông tin giá trị về đối tượng bị giám sát và truyền thông tin về cơ sở kiểm soát trên mặt đất".
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh vệ tinh Cosmos 2542 có nhiệm vụ "theo dõi tình trạng của các vệ tinh khác của Nga", không nhắc đến cái gọi là "Vật thể E".
Cuối năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã thử nghiệm việc tách một vệ tinh nhỏ khỏi một vệ tinh lớn, khả năng cao nhắc đến hoạt động của Cosmos 2542 và 2543. Quân đội Nga khẳng định mục đích của vệ tinh này là để đánh giá tình trạng kỹ thuật của các vệ tinh khác.