Nga nói đã vượt qua cú sốc kinh tế đầu tiên
Đài RT (Nga) đưa tin, mới đây Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov vừa tuyên bố rằng nền kinh tế của nước này đã vượt qua cú sốc đầu tiên sau các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Phát biểu hôm 18/5, Bộ trưởng Siluanov cũng cho biết thêm rằng việc vượt qua những lệnh trừng phạt và cấm vận sẽ không dễ dàng, tuy nhiên chính sách tài chính và ngân sách thận trọng sẽ cho phép Nga chống chọi với chúng và duy trì quyền tự chủ về tài chính.
"Chúng tôi tin rằng cú sốc đầu tiên đã qua đi, dù [phương Tây] vẫn đang chuẩn bị những gói trừng phạt mới", ông Siluanov nói.
Theo quan chức này, chính phủ Nga đã có những động thái nhằm ổn định tình hình tài chính trong nước, bao gồm việc loại bỏ những hạn chế vốn được ban hành như một phản ứng khẩn cấp đối với các lệnh trừng phạt.
Bộ trưởng Tài chính Nga bày tỏ sự tin tưởng rằng chính sách hợp lý của Moskva về ngân sách và tiền tệ sẽ giúp nước này "tiếp tục chống chịu bất cứ hạn chế nào mà chúng ta không may phải đối mặt."
Ông Siluanov cũng bác bỏ những thông tin cho rằng Nga sắp vỡ nợ. Theo đó, vị quan chức này cho biết Nga sẽ trả nợ nước ngoài bằng đồng rúp nếu Mỹ ngăn chặn các lựa chọn khác.
"Chúng tôi sẽ không tuyên bố vỡ nợ, chúng tôi có tiền - trừ khi các nước phương Tây khiến chúng tôi không thể trả được nợ", ông Siluanov nhấn mạnh. "Chúng tôi có thể thanh toán cho chủ nợ nước ngoài bằng đồng rúp - đây sẽ là phương án cuối cùng nếu phương Tây đóng cửa cơ sở hạ tầng tài chính với chúng tôi."
Ảnh minh họa: Getty Images / REDA&CO
Brussels dự đoán nền kinh tế Nga sẽ ổn định trở lại
Ủy ban châu Âu tiết lộ rằng tăng trưởng GDP thực tế của Nga dự kiến sẽ giảm 10,4% trong năm nay - sau khi đã ghi nhận mức tăng trưởng 4,7% trong năm 2021, theo RT.
Theo đó, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu của Nga dự kiến sẽ tăng nhờ giá cao và nhu cầu mạnh mẽ về hàng hóa - đây là điều "cho phép chính phủ Nga được ban hành các biện pháp hỗ trợ đồng rúp, các nhóm dễ bị tổn thương và nền kinh tế, nhằm hạn chế tình trạng GDP sụt giảm quá sâu."
Ủy ban châu Âu dự đoán nền kinh tế Nga sẽ sớm ổn định trở lại vào năm 2023, do Nga được cho là sẽ sớm thích nghi với hoàn cảnh mới. Đồng thời, tăng trưởng GDP của Nga được dự đoán sẽ tiếp tục bị "hãm phanh" trong năm tới - ở mức 1,5%, do việc thay thế hàng nhập khẩu để bù đắp cho các công ty nước ngoài rời đi sẽ không đủ hiệu quả.
Báo cáo của Ủy ban châu Âu dự báo lạm phát sẽ vượt 20% trong năm nay do tắc nghẽn từ phía nguồn cung và giá thành nhập khẩu tăng. Tuy nhiên, báo cáo này cũng cho biết thêm rằng vào năm 2023, lạm phát sẽ giảm xuống 10% khi sức mua giảm và mô hình tiêu dùng thay đổi.
Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Nga được dự báo sẽ giảm 16,1% trong năm nay, và dự kiến giảm nhẹ (3,9%) trong năm 2023.
Nhập khẩu dự kiến sẽ giảm 25,8% trong năm 2022 và sẽ tăng 5,4% trong năm 2023.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Nga được dự báo sẽ tăng 5,9% vào năm 2022 và được dự đoán sẽ tăng thêm 5,6% trong năm 2023.
Ảnh minh họa: Getty Images / Aritro Roy / EyeEm
Mỹ sẽ đề xuất EU áp thuế thay vì cấm vận dầu Nga
Thông tin trên được truyền thông công bố sau khi các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) không đạt được sự đồng thuận về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga.
Theo đó, Hungary là quốc gia đã phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ - một đề xuất của do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell cho biết Hungary đưa ra quan điểm nói trên dựa trên những lo ngại về kinh tế chứ không phải vì lý do chính trị, do Hungary phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu mỏ của Nga.
Trong diễn biến liên quan, hãng tin Euronews dẫn lời các quan chức Bộ Tài chính Mỹ hôm 17/5 cho hay, trong cuộc họp của nhóm G7 tuần này, Mỹ dự định sẽ đề xuất các quốc gia châu Âu áp thuế đối với dầu của Nga - như một giải pháp thay thế nhanh gọn hơn so với một lệnh cấm vận hoàn toàn cần tất cả các bên đạt được đồng thuận.
Các quan chức EU đang xem xét lệnh cấm vận theo từng giai đoạn đối với nhập khẩu dầu thô của Nga, nhưng những lo ngại từ một số quốc gia Đông Âu về nguồn cung là một trở ngại lớn đối với kế hoạch này.
Cơ chế sẽ do Mỹ đề xuất sẽ đảm bảo dầu Nga tiếp tục được lưu hành trên thị trường, nhưng hạn chế lượng doanh thu về "túi" của Moskva.
Các quan chức Mỹ cho biết: Do dầu của Nga được bán với giá chiết khấu so với các tiêu chuẩn toàn cầu, nên thuế quan có thể được đặt ở mức có thể thu được một phần chênh lệch đó và làm giảm lợi nhuận của Nga. Nhưng nó sẽ phải đủ thấp để Nga vẫn có doanh thu, tạo động lực cho nước này tiếp tục xuất khẩu, các quan chức Mỹ cho biết.
Theo lời các quan chức này, nhiều quốc gia mong muốn ngừng mua dầu của Nga càng nhanh càng tốt, nhưng điều này đi kèm nguy cơ cao rằng các lệnh cấm vận hoàn toàn có thể làm tăng đáng kể giá dầu.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đang xem xét các cơ chế định giá bao gồm thuế quan để giúp bảo vệ nền kinh tế toàn cầu khỏi thiệt hại thêm do giá năng lượng tăng cao.
Tổng thống Putin: Chính sách năng lượng của EU là "tự sát kinh tế"
Hôm 17/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định rằng giá năng lượng tăng cao ở các nước phương Tây là do sai lầm của chính họ, không phải do Nga.
Theo nhà lãnh đạo Nga, EU đang "tự sát kinh tế" khi cố gắng dừng sử dụng các nguồn năng lượng từ Nga.
"Hành vi tự sát kinh tế này tất nhiên là vấn đề nội bộ của các quốc gia châu Âu. Chúng ta phải hành động thực tế, xuất phát từ những lợi ích của chính mình", Tổng thống Putin nhận định trong một cuộc họp trực tuyến với ngành dầu khí.
Ông Putin cho biết, châu Âu đã thừa nhận rằng họ chưa thể từ bỏ hoàn toàn các nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, ông Putin nói rằng các quốc gia này đã tự đặt ra nhiệm vụ đó "mà không chú ý đến tổn thất chúng gây ra cho nền kinh tế của họ".
Vị Tổng thống Nga nhấn mạnh: "Các lệnh trừng phạt và những tuyên bố về ý định từ bỏ năng lượng Nga đã khiến giá dầu tăng trên khắp thế giới".
Ảnh minh họa: AP
Châu Âu đã có cách "cai nghiện" năng lượng Nga?
Đài RT (Nga) cho biết, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 18/5 vừa thông báo rằng EU sẽ nâng mục tiêu năng lượng tái tạo và đầu tư hàng tỷ euro vào phát triển năng lượng sạch nhằm nỗ lực "cai nghiện" dầu và khí đốt Nga nhập khẩu.
Kế hoạch ‘REPowerEU’ của bà Von der Leyen dự kiến sẽ cắt giảm 66% sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga trong năm 2022, và loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc này vào năm 2027.
EU dự định tăng cường mức sử dụng năng lượng hiệu quả từ 9% lên 13%, và tăng sản lượng điện được tạo ra từ năng lượng tái tạo từ 40% lên 45% trước năm 2030. Hiện tại, nguồn năng lượng tái tạo mới chỉ đáp ứng được 22% nhu cầu về điện năng của EU.
Để đạt được mục tiêu này, bà von der Leyen nói rằng EU sẽ đẩy nhanh thủ tục cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo như các trang trại gió và sẽ chi 300 tỷ euro (315 tỷ USD) cho việc viện trợ và cho vay.
Nguồn kinh phí này dự kiến sẽ được phân bổ như sau: 95% sẽ được dành cho các dự án năng lượng xanh, và 5% sẽ được sử dụng để nâng cấp cơ sở hạ tầng khí đốt và dầu mỏ của Châu Âu để nhập khẩu từ các nguồn khác ngoài Nga./.