Cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Putin tại Sochi hồi đầu tháng Năm đã nhận được phản hồi tích cực từ cả 2 nước.
Những ngày diễn ra chuyến thăm của ông Abe tới Sochi luôn tràn ngập các dấu hiệu lạc quan về một sự tan băng trong quan hệ song phương - điều chưa từng có sau khủng hoảng Ukraine, cũng như triển vọng trong vấn đề tranh chấp quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Không lâu sau chuyến thăm của Abe, phát ngôn viên điện Kremlin gọi tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên là đề tài "vô cùng nhạy cảm", nên được thảo luận tỉ mỉ bởi các chuyên gia - một sự thay đổi trong lập trường của Moscow, vốn trước đây luôn một mực phủ nhận sự tồn tại của vấn đề.
Trong quãng thời gian này, Phó Thủ tướng Nga Yuri Trutnev đã có chuyến thăm tới Tokyo nhằm thảo luận với Phó chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hiroshige Soke về các dự án kinh tế ở vùng Viễn Đông theo kế hoạch hợp tác do Abe đề xuất.
Bộ Ngoại giao hai bên cũng lên kế hoạch tổ chức đàm phán hiệp ước hòa bình vào tháng Sáu.
Tuy nhiên, những sự kiện tích cực trên đã nhanh chóng bị "phủ bóng đen" bởi hàng loạt các diễn biến trái chiều.
Hai nhà lãnh đạo Nga - Nhật gặp nhau ở Sochi
Lần trao đổi miễn thị thực đầu tiên giữa Nga và Nhật trong năm 2016 đã gặp rắc rối vì một sự cố ngoại giao.
Nga đã ngăn một nhóm công dân Nhật tới đặt chân tới hòn đảo nhỏ không người Tanfilyev (từng thuộc quyền quản lý của Nhật) viếng mộ người thân, được nhập cảnh. Theo giải thích của Bộ Ngoại giao Nga, khi điền vào giấy tờ nhập cảnh, họ đã ghi tên cũ bằng tiếng Nhật của hòn đảo này là Suisho.
Về phần mình, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng, chuyến đi của nhóm người Nhật đã không thể thực hiện bởi thời tiết xấu, và họ buộc phải tiến hành nghi lễ ở vùng biển gần thành phố Nemuro.
Ông Filippov nhận định, tuyên bố trên cho thấy Tokyo rất dè chừng, không muốn gây ra một tổn hại, dù là nhỏ, với "hiện trạng" của mối quan hệ song phương, với hi vọng có thể phá vỡ thế bế tắc ở quần đảo tranh chấp.
Trong khi đó, Nga dường như đang thờ ơ với cam kết của chính mình về việc đẩy mạnh đối thoại chính trị với Nhật Bản. Tại hội nghị thượng đỉnh với ASEAN mới đây, Putin tuyên bố, Nga sẵn sàng thảo luận ký kết hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, song không bao giờ "bán" các đảo (tranh chấp).
Ngoại trưởng Nga Lavrov, trong cuộc phỏng vấn với tờ Komsomolskaya Pravda, nhấn mạnh, Nga không định nhường nhịn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, cũng không "hạ mình xin xỏ" hiệp ước hòa bình.
Nga cũng không giấu dự định siết chặt hiện diện quân sự ở Viễn Đông, bao gồm khu vực quần đảo tranh chấp. Theo tướng Sergey Surovikin, chỉ huy Quân khu miền Đông, chính phủ Nga đang tiến hành "những biện pháp chưa từng có" để nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự, tái vũ trang quân đội ở Sakhalin và quần đảo Kuril.
Nga còn muốn sử dụng quần đảo không người Matua/Matsuwa làm căn cứ hải quân cho Hạm đội Thái Bình Dương.
Các sự kiện xảy ra trong vài tuần qua cho thấy, không hề có một sự thay đổi rõ rệt nào trong lời nói hay hành động của Nga với Nhật.
Đổi lại, những kỳ vọng của Nga rằng, Nhật có thể làm trung gian giúp nước này bình thường hóa quan hệ với phương Tây rõ ràng là đã không được như ý muốn, sau một nghị quyết chung với những câu từ mạnh mẽ về Nga được các nhà lãnh đạo G-7 kí kết.
Không chỉ tiếp tục trừng phạt Nga, nghị quyết chung còn quyết định áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, đồng thời buộc Nga chịu trách nhiệm trong việc thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk.
Dù rằng Tokyo có thực sự muốn trở thành trung gian hòa giải "mối thù" Nga - phương Tây hay không, thì một nghị quyết như thế này cũng làm dấy lên câu hỏi về tầm ảnh hưởng của Abe tới các nhà lãnh đạo G-7.
Ông Filippov nghi ngờ, nếu tình hình cứ như hiện nay, thì chuyến thăm Nhật của Putin cuối năm sẽ không hơn gì cuộc nói chuyện dài lan man.