Quan hệ Trung Quốc - Nga gặp thử thách
Bị hạn chế tiếp cận các mạng lưới tài chính phương Tây và đồng USD, Nga đã chuyển sang nước láng giềng Trung Quốc, hai nước tuyên bố tình hữu nghị không giới hạn vào ngày 4/2/2022.
Moscow hiện đã chấp nhận sử dụng nhiều hơn đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trong bối cảnh hợp tác tài chính song phương ngày càng tăng cường.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti hôm 26/2, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov nói rằng luật ngân sách Nga sẽ cho phép nước này phát hành các khoản vay bằng Nhân dân tệ.
Tuy nhiên, quan chức Nga nói thêm rằng, phía Trung Quốc chưa chấp thuận kế hoạch về các các khoản vay bằng Nhân dân tệ.
"Các cuộc đàm phán với các đối tác Trung Quốc đã diễn ra được một thời gian nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra", ông nói.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời nhà kinh tế cấp cao tại BBVA Research Dong Jinyue cho biết, trong khi mối quan hệ song phương được tăng cường trên mặt trận tài chính có thể giúp quốc tế hóa tiền tệ của Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng có xu hướng tỏ ra an toàn khi duy trì "lập trường trung lập" liên quan đến cuộc chiến Ukraine.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, các ngân hàng thương mại Trung Quốc cần xem xét sự an toàn và lợi nhuận của các khoản vay bằng Nhân dân tệ, ngoài những cân nhắc về chính trị.
"Ví dụ, phần bù rủi ro là bao nhiêu, trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra và họ sẽ phòng ngừa rủi ro tiền tệ như thế nào trước sự biến động lớn của đồng rúp Nga?", bà Dong Jinyue nói.
Bà Dong cũng cho rằng, thị trường tài chính tương đối yếu ở Nga, cùng với cơ sở hạ tầng tài chính kém phát triển – bao gồm cả các sản phẩm và thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ xuyên biên giới – là những thách thức đối với cả hai bên trong việc cho phép Nga vay các khoản vay bằng Nhân dân tệ.
Chuyên gia về Nga và Trung Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải Li Lifan nhấn mạnh, mặc dù người Nga sẵn sàng chi tiêu rộng rãi đồng Nhân dân tệ trong nước nhưng cũng "cần phải suy nghĩ sâu sắc xem liệu sức tiêu dùng này có thể duy trì được hay không".
Theo ông Li, tỷ giá giao dịch giữa đồng Rúp và Nhân dân tệ cao, trong đó đồng tiền Trung Quốc chiếm 1/4 dự trữ ngoại hối của Nga, trong khi Nga có thể sử dụng đồng Nhân dân tệ để đổi lấy USD.
Tuy nhiên, "chủ nợ luôn là bên có nhiều mối quan tâm hơn con nợ trong bất kỳ hoạt động cho vay nào", ông nói.
Các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt
Mới đây, 17 công ty từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông bị liệt vào danh sách hơn 500 mục tiêu của các lệnh trừng phạt mới do Mỹ áp đặt với cáo buộc vận chuyển thiết bị đến Nga hoặc cung cấp hỗ trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Mỹ đang tung ra “các biện pháp trừng phạt đơn phương thông qua ép buộc kinh tế”.
"Phía Trung Quốc phản đối mạnh mẽ những hành vi như vậy", bộ này cho biết. "[Mỹ] đã vi phạm trật tự quốc tế và phá vỡ sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết, Bắc Kinh sẽ thực hiện “các biện pháp cần thiết” để bảo vệ các công ty của nước mình.
"Nga và Trung Quốc đang tham gia hợp tác kinh tế và thương mại song phương bình thường", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 26/2.
"[Chúng tôi] không nhắm mục tiêu vào bên thứ ba và sẽ không bị làm phiền bởi bất kỳ bên thứ ba nào khác".
Bắc Kinh và Điện Kremlin ghi nhận thương mại song phương, chủ yếu là dầu khí, đạt mức cao kỷ lục 240 tỷ USD vào năm ngoái, và các công ty Trung Quốc gia nhập thị trường Nga nơi các công ty phương Tây rút lui.
Về mặt tài chính, cả hai đã ký các thỏa thuận kiểm toán và giám sát nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn song phương và phát hành trái phiếu vào tháng 12.