Phản ứng của hai siêu cường đang đẩy thế giới vào cuộc chạy đua vũ trang mới, khi Nga có thể tái khởi động lại hàng loạt dự án tên lửa tầm ngắn và tầm trung đã bị đóng băng từ thời Liên Xô.
Điều này không chỉ khiến Washington lo ngại, mà cả châu Âu đang ngồi trên đống lửa. Từ trước tới nay, INF luôn đóng vai trò là hòn đá tảng của an ninh trên lục địa già.
INF không còn có lợi cho Washington
Mỹ và Liên Xô ký INF vào tháng 12-1987 và được coi là một trong những biểu tượng của sự kết thúc chiến tranh Lạnh.
Theo quy định của INF, Washington và Moscow buộc phải dừng các chương trình phát triển, chế tạo và duy trì các loại tên lửa đạn đạo, hành trình trên bộ có tầm bắn từ 500 tới 5.500km, cũng như loại bỏ các thiết bị phóng tương ứng.
Để tuân thủ INF, Liên Xô thời điểm đó đã triệt thoái và tháo dỡ các tổ hợp tên lửa trên bộ RSD-10 Pioneer, R-12, R-14 và RK-55, cũng như các tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm ngắn Temp-S và Osa. Về phía Mỹ, các tổ hợp tên lửa MGM-31C Pershing II, BGM-109G Gryphon (tên lửa Tomahawk phiên bản trên bộ) và Pershing IA cũng bị loại biên.
Khi không còn giá trị, Mỹ sẵn sàng rút khỏi INF và đẩy các bên liên quan vào cuộc chạy đua mới.
Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia Victor Yesin, cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga, cho rằng, việc Mỹ rút khỏi INF đã được dự đoán từ sớm.
Washington không muốn bị INF ràng buộc trước các đối thủ mới nổi trên thế giới, cũng như buộc châu Âu tiếp tục phụ thuộc an ninh vào Mỹ như trước thời điểm INF được ký.Giới chuyên gia quân sự đánh giá, INF mang lại giá trị an ninh rất lớn cho Liên Xô và châu Âu, sau đó mới tới Mỹ.
INF đảm bảo Liên Xô và châu Âu không phải là nơi đầu tiên bị tàn phá nếu chiến tranh hạt nhân toàn diện xảy ra. Về phía Mỹ, INF giúp lãnh thổ nước này cơ bản được an toàn trước nguy cơ từ các loại tên lửa tầm trung và chỉ còn có thể bị đe dọa từ máy bay chiến lược và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Năng lực hạt nhân của các bên cũng được hạn chế và giới hạn ở các loại vũ khí tiến công cấp chiến lược.
Theo lời ông Victor Yesin, Nga hiện tại hoàn toàn có đủ khả năng thích nghi với việc INF đổ vỡ, khi hàng loạt dự án vũ khí thời Liên Xô đã hoàn thiện và chỉ bị giới hạn bởi INF. Moscow đã có trong tay đủ công cụ để đảm bảo an ninh chiến lược ở thời kỳ hậu INF.
Điều này hoàn toàn hợp lý khi Mỹ cũng đã khởi động các chương trình phát triển tên lửa tầm trung mới. Ngoài ra, các căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu với các tổ hợp Aegis Ashore có thể được tái trang bị tên lửa hành trình để chuyển thành vũ khí tấn công.
Khôi phục lại những dự án vũ khí thời Liên Xô?
Một trong những phản ứng nhanh chóng và cụ thể nhất của Nga khi Mỹ rút khỏi INF là khôi phục các dự án phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung dưới thời Liên Xô vốn bị giới hạn bởi hiệp ước này trong quá khứ.
Dễ dàng nhất hiện nay chính là việc nối dài tầm bắn của tên lửa 9M729. Tuy nhiên, việc này có thể vấp phải phản ứng từ phía Mỹ và châu Âu. Ngay từ đầu, phương Tây đã coi tên lửa 9M729 vi phạm INF.
Tuy nhiên, ngoài 9M729, Nga còn rất nhiều phương án khác có thể thực hiện ngay mà không gặp mấy khó khăn.
Tên lửa 9M729... |
hay thiết bị lượn siêu thanh Avanguard... sẽ là những phương án được Nga lựa chọn cho thời kỳ hậu INF. |
Để lấp đầy khoảng trống vũ khí răn đe do INF đổ vỡ, Nga hoàn toàn có thể giảm tầm bắn của một số loại ICBM hay hoán cải một vài loại tên lửa đang được biên chế cho hải quân và không quân sang biến thể lục quân.
Cụ thể, ICBM RS-24 Yars hoàn toàn có thể giảm tầng phóng để rút ngắn tầm bắn hay hoán cải tên lửa hành trình X-101 vốn trang bị trên máy bay ném bom chiến lược thành phiên bản lục quân với tầm bắn tối đa tới 5.500km.
Một phương án khác có thể được Nga chú ý chính là việc triển khai các loại vũ khí tiến công chiến lược ở Bắc Cực, nơi rất gần lãnh thổ nước Mỹ. Với tên lửa ICBM 15ZH59, toàn bộ khu vực Bắc Mỹ sẽ nằm trong tầm ngắm.
Dòng ICBM di động cực kỳ nguy hiểm này đã bị phía Mỹ yêu cầu hủy bỏ theo quy định của INF vào tháng 10-1991.
Ngoài ra, Nga còn rất nhiều phương án về vũ khí địa nhiệt hay đoàn tàu hạt nhân để đáp ứng với việc INF đổ vỡ.
Theo đánh giá của chuyên gia Victor Yesin, INF đổ vỡ sẽ dẫn tới việc Nga tập trung phát triển các loại vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới. Những loại vũ khí này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố trong Thông điệp Liên bang năm 2018.
Trên nền tảng vũ khí siêu vượt âm mới, Nga sẽ biến mọi phương tiện vận chuyển trên bộ, trên không và trên biển đều có khả năng tấn công phủ đầu hoặc răn đe chiến lược xuyên thủng lá chắn tên lửa của đối phương.