Trên một con đường cao tốc của Syria, ông Hussein Abdel Hamid gần đây đã rơi vào tình huống mắc kẹt trong xe. Một xe tuần tra của quân đội Mỹ chạm trán với các xe tăng của Nga trên con đường và chẳng bên nào chịu nhường đường.
Vụ việc xảy ra cách đây hai tuần không phải là cảnh tượng hiếm thấy ở chiến trường đông bắc Syria. Đây là nơi chứng kiến sự cùng tồn tại hết sức mong manh giữa các lực lượng Nga và Mỹ trong bối cảnh họ đang ủng hộ cho hai phe đối lập nhau trong cuộc nội chiến kéo dài suốt 9 năm qua.
"Chúng tôi luôn thấy các lực lượng Nga và Mỹ đối đầu với nhau", ông Abdel Hamid – một người Kurd 55 tuổi ở Syria, cho biết.
"Giống như những chiếc taxi", họ đang cố tìm cách cắt đầu nhau, ông Hamid cho biết thêm.
Là một lực lượng chống chính quyền Syria mạnh mẽ, Washington lần đầu tiên triển khai quân đến chiến trường đông bắc Syria là vào năm 2014 và đội quân này là một phần trong liên minh chống nhóm khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Về phần mình, Nga có sự hậu thuẫn về quân sự cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad kể từ năm 2015. Tuy nhiên, Moscow không triển khai các lực lượng quân sự ở chiến trường đông bắc Syria cho đến hồi cuối năm ngoái sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch tấn công lực lượng chiến binh người Kurd ở đây.
Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10 được khích lệ một phần bởi sự kiện Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút quân Mỹ ra khỏi các khu vực biên giới phía đông bắc Syria.
Cảm thấy bị bỏ rơi bởi đồng minh trong cuộc chiến chống IS, lực lượng người Kurd đã quay sang Damascus và Moscow để ngăn chặn chiến dịch tiến sâu vào khu vực của Ankara.
Kể từ đó, lực lượng Nga và Mỹ liên tục chạm trán nhau ở các vùng lãnh thổ nằm trong sự quản lý của người Kurd. Các đoàn xe tuần tra của hai bên thường xuyên gặp nhau trên đường. Lực lượng hai bên sử dụng ống nhòm để theo dõi nhau.
Tình hình đặc biệt
"Tôi cho rằng sự hiện diện của cả Nga và Mỹ ở chiến trường đông bắc Syria là một tình hình đặc biệt", nhà nghiên cứu Syria – ông Samuel Ramani nhận định.
Trong đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội, một phương tiện quân sự của Mỹ đã chèn một phương tiện bọc thép của Nga khi chiếc xe này đang tìm cách vượt qua nó.
Tuy nhiên, sự hiện diện của binh sĩ Nga cũng giúp lực lượng Mỹ tránh phải đối đầu với quân chính phủ Syria.
Hồi đầu tháng Ba, hai chiếc xe bọc thép của Mỹ đã phát hiện họ chỉ cách một cứ điểm của quân đội Syria có 50 mét và hai chiếc xe này đã phải đợi nhóm tuần tra của Nga quay trở về để có thể rời đi, các nguồn tin địa phương cho biết.
Hồi tháng Hai, Moscow cho biết Nga đã phải đến giải cứu cho lực lượng binh sĩ Mỹ khi họ bị lực lượng trung thành với Tổng thống Assad nã súng và chặn không cho đi qua.
Bất chấp những sự căng thẳng, ông Ramani tin rằng "nguy cơ đối đầu giữa hai lực lượng Nga và Mỹ là rất ít".
"Nga và Mỹ có thể không có nhiều kinh nghiệm trong việc hoạt động gần nhau về mặt địa lý nhưng họ vốn đã chiến đấu trong các lực lượng đối lập nhau trong cuộc nội chiến ở Syria", ông Ramani cho hay.
Ông Charles Thepaut đến từ Viện Chính sách Cận Đông của Washington cũng nhất trí với quan điểm trên, nói rằng "cả Nga và Mỹ đều không muốn đối đầu trực tiếp với nhau".
Tuy nhiên, những vụ việc xảy ra cho thấy "tình hình trên chiến trường thực sự rất mong manh".
"Sự tập trung của các lực lượng đối địch nhau... trong một khu vực nhỏ bé - nơi tất cả phải sử dụng chung các con đường với nhau khiến cho mọi thứ đều trở nên nguy hiểm", ông Thepaut kết luận.